Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Máy cày "siêu nhẹ" giúp nông dân miền Tây làm mô hình tôm – lúa hiệu quả

T.Hợp - 11:29, 04/01/2021

Đến vùng nuôi tôm của tỉnh Cà Mau, hỏi về chiếc máy cày siêu rẻ, siêu nhẹ, có thể chạy được dưới nước hầu như ai cũng biết rõ. Đây là sáng chế của ông Nguyễn Văn Rô (tên thường gọi Năm Rô, ngụ ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước), người chỉ mới học hết lớp 4.

Máy cày ông Tư Rô chế tạo ra có thể cày cạn và cày cả dưới nước. Ảnh TL
Máy cày ông Tư Rô chế tạo ra có thể cày cạn và cày cả dưới nước. Ảnh TL

Ông Nguyễn Văn Rô, 57 tuổi, sinh ra trong gia đình nông dân. Vốn nhạy bén, nên khi trưởng thành ông Tư đã tự mày mò và hành nghề sửa chữa máy móc ở địa phương. Sau đó, ông được đưa vào làm Giám đốc của một Hợp tác xã chuyên về xây dựng của xã. Ông được đi nhiều nơi và nghe người dân than phiền về môi trường ô nhiễm, nuôi tôm ngày càng khó thành công. Từ đó, lão nông bỏ nghề xây dựng để nghiên cứu chế tạo máy cày, giúp nông dân cải tạo đáy ao nuôi.

Sau nhiều ngày trăn trở, khi nhìn thấy chiếc máy xới cỏ ở sân bóng nhân tạo có cấu tạo gần giống với chiếc máy cày truyền thống nhưng các bộ phận đều được làm rất gọn nhẹ, dễ sử dụng ông liền bật ra ý tưởng: Làm chiếc máy cày nhẹ hơn so với máy cày thông thường, có thể nổi trên mặt nước, dễ dàng di chuyển trong vùng kênh rạch miền Tây Nam Bộ.

Để máy nhẹ hơn, ông Rô dùng inox 304 thay thế các linh kiện bằng sắt, giúp chiếc máy giảm từ 150kg xuống còn 100kg. Ngoài ra, ông cũng lắp thêm lưỡi cày có thể điều chỉnh độ cao theo phương thẳng đứng để thay đổi độ sâu của đất cần được cày xới.

Điểm khác biệt trong sáng chế của ông Nguyễn Văn Rô là việc sử dụng dùng thùng hình trụ đưa vào phía trong khung hình trụ của các bánh lồng giúp máy cày có thể dễ dàng nổi lên trên mặt nước.

Ông giải thích: “Các thùng hình trụ có cửa nạp và xả chất lỏng. Trong khi di chuyển máy qua sông hoặc kênh rạch, quá trình thao tác trên vùng đất ngập nước, thùng sẽ được tháo toàn bộ chất lỏng để tạo độ nổi cho máy. Nhờ vậy, máy di chuyển dễ dàng trên mặt nước kênh, rạch mà không cần phải cho máy lên ghe, xuồng để vận chuyển đến nơi canh tác. Nếu hoạt động trên vùng đất cứng, nhiều cây cỏ, thùng được thêm chất lỏng để tạo sức nén xuống mặt đất. Nhờ vậy, dù máy có trọng lượng nhẹ hơn so với máy cày thông thường nhưng vẫn đạt hiệu quả tương đương, do đó tiết kiệm được chi phí vật liệu chế tạo cũng như nhiên liệu vận hành máy”.

Trong suốt 1 năm nghiên cứu, cái khó nhất là bộ phận lưỡi cày phải tháo ra, lắp vào, điều chỉnh rất nhiều lần mới được. Bởi những nơi đất mềm, phải đóng lưỡi cày sao cho phù hợp với động cơ chạy xăng 5,5 mã lực, đất sau cày phải tơi nhỏ, phơi 1-2 nắng là khô. Để giải quyết bài toán này, ông bảo phải thử đi thử lại hàng trăm lần việc tháo lắp lưỡi cày trên từng loại đất (đất mềm, đất cứng, đất ướt) để rút ra công thức cho từng loại. Bởi vậy, cứ ai đến đặt máy là ông hỏi rất kỹ về tình trạng đất để đóng cho chính xác.

Với giá thành khoảng 15 -17 triệu đồng, chiếc mày cày này rất tiện ích trong việc cải tạo đầm tôm. Từ khi đưa vào sử dụng đại trà cho nông dân từ năm 2015 đến nay, ông Rô đã bán ra gần 300 chiếc máy cày chạy dưới vuông. Chiếc máy cày tự chế của ông được bà con tin dùng bởi tính tiện lợi và tiết kiệm được chi phí trong sản xuất.

Anh Nguyễn Quốc Trạng (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình), cho biết: “Sau nhiều năm canh tác, vuông tôm của bà con nông dân rất cần được cải tạo lại đất. Qua sử dụng chiếc máy cày của ông Rô để cải tạo vuông, tôi thấy rất hiệu quả, máy lại gọn nhẹ và ít tốn nhiên liệu nên được bà con ở đây rất phấn khởi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Rô cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, tôi sản xuất được 5 loại máy cày, trục. Trước đó, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc sáng chế tạo ra máy cày. Càng về sau, các loại máy đã được cải tiến nên gọn nhẹ và tiện dụng hơn. Các loại máy cày tôi sáng chế gồm: Máy cày đất hầm công nghiệp; đất cỏ, đất trồng hoa màu; đất láng, máy trục đất vuông tôm… Đến nay, để cày hoặc trục 1.000m2 đất chỉ tốn khoảng 10.000 đồng tiền xăng”.

Năm 2021 ông Rô dự tính sẽ tiếp tục chế tạo cho người trồng màu chiếc máy cày phù hợp nhưng đang gặp khó khăn. Ảnh TL
Năm 2021 ông Rô dự tính sẽ tiếp tục chế tạo cho người trồng màu chiếc máy cày phù hợp nhưng đang gặp khó khăn. Ảnh TL

Theo lời ông Rô, sản phẩm đầu tay được ông bán ra thị trường với giá 19 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đầu, phần bánh lồng của máy cày được làm bằng sắt nên máy có trọng lượng lớn và nhanh bị gỉ sét, do tiếp xúc với môi trường nước mặn. Ông lại tiếp tục suy nghĩ tìm cách cải tiến.

“Sau thời gian thử nghiệm, tôi quyết định chọn phi nhựa (loại dẻo) để thay thế sắt. Qua đó, giúp trọng lượng của máy cày giảm từ 170kg xuống còn khoảng 110kg và giá bán cũng giảm do tiết kiệm được chi phí” - ông Rô cho hay.

Để khách hàng nắm vững cách thức hoạt động, sau khi giao máy ông Rô thường hướng dẫn tận tình cách lắp ráp, hoạt động… Đặc biệt, khi người dân gặp khó trong vận hành ông sẵn sàng đến tận nhà để hỗ trợ.

Với giá thành hợp lý và đáp ứng được nhu cầu của người dân nên các sáng chế của ông Rô được nhiều người chọn mua và tin dùng. Trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng 70 chiếc máy cày, trục đất với giá dao động từ 15 - 17 triệu đồng/chiếc (tùy loại). Theo đó, sau khi trừ hết các phí ông thu lãi khoảng 2,5 triệu đồng/máy.

Bằng quyết tâm giúp người dân vươn lên, ông Tư Rô đã không ngại khó khăn để sáng chế ra “Máy cày ước mơ nhà nông”. Chiếc máy cày “siêu nhẹ” của ông đã và đang giúp ích nhiều nông hộ trong phát triển sản xuất. Hiện ông Tư Rô cũng chỉ mong sao sản phẩm mình tạo ra đến được tay nhiều bà con hơn để họ đỡ cực nhọc./.



Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.