Đi về nơi bản xa
Chương trình mang Tết đến cho học trò nghèo được các trường vùng cao ở Tây Bắc chuẩn bị từ nhiều tuần trước Tết. Trên cơ sở khảo sát các đối tượng học sinh thuộc diện người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh vượt khó trong học tập, các trường đã thành lập các đoàn giáo viên đến bản, làng để động viên, tặng quà và chúc Tết gia đình học trò.
“Giá trị vật chất mỗi phần quà cho các em không lớn. Có thể chỉ là bộ quần áo mới, chiếc mũ len, đôi tất ấm… nhưng thể hiện sự quan tâm của thầy cô đối với học sinh và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn”, thầy giáo Cao Xuân Lâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Si Ma Cai (Lào Cai) chia sẻ.
Tuy ở nơi xa xôi, khó khăn của huyện Bảo Yên (Lào Cai) nhưng năm nào cũng vậy, thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Tiến đều tổ chức Tết dân tộc, gói bánh chưng và góp tiền để mua quần áo rét, mũ len và quà Tết cho học trò nghèo ở những bản xa trường như Cán Chải, Nặm Phầy, Nặm Hu...Qua đó, góp phần động viên và giúp các em có được cái tết đầm ấm bên gia đình.
Cô giáo Nguyễn Thị Đàm, quê ở Hạ Hòa (Phú Thọ) dạy học ở điểm trường Huổi Lá thuộc Trường Tiểu học Nậm Hăn (Sìn Hồ, Lai Châu) đã 18 năm nay. Cô chia sẻ, năm nào cô cũng ở lại cùng đồng nghiệp để đi tặng quà cho học sinh tại các bản.
Còn thầy giáo Nguyễn Ngọc Đạo, Trường THCS số 2 Xuân Hòa, huyện Bảo Yên (Lào Cai) thì không nhớ rõ đã bao nhiêu lần lên bản để thăm, tặng quà Tết học trò nghèo. Thầy Đạo tâm sự: “Lặn lội lên nhà học sinh mới thấy gia cảnh các em còn thiếu thốn quá, ngẫm lại càng thấy thương học trò của mình”. Mỗi chuyến đi về bản tuy vất vả nhưng thầy cô lại sưởi ấm tâm hồn cho các học trò nghèo.
Ấm áp tình thầy trò
Mỗi chuyến đi chúc Tết học trò là một sự trải nghiệm quan trọng để thầy cô thấu hiểu học trò hơn. Thầy giáo Nguyễn Sỹ Tuấn, giáo viên Tin học (Trường THPT số 3 Bảo Yên, Lào Cai), chia sẻ: “Đến bản Lùng Ác, các thầy cô giáo phải leo ngược dốc đoạn đường gần 20 cây số rồi lại xuôi dốc núi bên kia chừng 10 cây số nữa mới đến được nhà học sinh. Đến đây mới thực sự cảm thông với các em và nhận thấy ý chí học tập của các em đáng quý biết bao. Được thầy cô đến tận nhà chúc Tết, cả phụ huynh và học sinh đều cảm thấy vô cùng ấm áp và phấn khởi".
Những chuyến đi thăm, tặng quà Tết học trò nghèo đã tiếp thêm động lực cho học sinh và gắn kết tình thầy -trò nơi vùng cao.
Em Hoàng Thị Phượng, dân tộc Tày, học sinh lớp 12 Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ: “Khi nhận được món quà Tết cùng tình cảm của thầy cô giáo, bố mẹ em và em rất cảm động trước sự quan tâm, động viên của thầy cô. Nhà em xa trường, hoàn cảnh khó khăn, nhờ có sự tiếp sức của thầy cô đã tạo động lực cho em vươn lên học tập”.
Sự quan tâm của thầy cô vào dịp Tết đến Xuân về,cùng với Mô hình trường học bán trú đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ sau Tết Nguyên đán ở các trường học vùng sâu, vùng xa so với những năm trước đây.