Tỉnh Gia Lai có khoảng 48% dân số là đồng bào DTTS sinh sống. Theo thống kê của Sở Y tế Gia Lai, mặc dù tỉnh có 4.355 cán bộ y tế đang công tác tại các cơ sở y tế, nhưng nguồn nhân lực của ngành vẫn thiếu hàng trăm người, nhất là bác sĩ.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: “Ngoài việc thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, giải phẫu thì còn thiếu cả bác sĩ ở Trạm y tế xã. Hiện nay, 48/220 trạm y tế tuyến xã chưa có bác sĩ”.
Còn tại Thanh Hoá, toàn tỉnh có 635 trạm y tế xã, phường, thị trấn thì trong đó, có tới 243 trạm chỉ có 3 - 4 nhân viên y tế (chiếm tới 38,26%). Trong khi, theo quy định của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ thì, mức tối thiểu để triển khai và bảo đảm hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh là 5 người/trạm y tế.
Bác sĩ Hà Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước (Thanh Hoá) chia sẻ: “Trạm được đầu tư xây dựng to đẹp là thế, nhưng ở đây chúng tôi chỉ có 3 người đảm trách mọi công việc. Thiếu thốn nhân lực dẫn đến quá tải công việc, thậm chí những lúc đông bệnh nhân, chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh”.
Bên cạnh đó, mạng lưới YTCS tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa, không chỉ thiếu hụt nhân sự, mà chất lượng nguồn lực vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Năng lực của cán bộ y tế, kể cả bác sĩ của tuyến xã yếu, thậm chí không đủ khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhiều Trạm y tế khang trang trang, thiết bị đầy đủ nhưng cán bộ y tế tại đây lại không biết sử dụng; ngược lại có nơi cán bộ y tế có trình độ cao thì trang thiết bị y tế lại nghèo nàn, thiếu thốn dẫn đến lãng phí nhân lực.
Trên thực tế, đào tạo ra một nhân viên y tế cơ sở đã khó, để giữ được nhân viên y tế tốt còn khó khăn hơn rất nhiều. Có thể thấy, sự tồn tại của vấn đề thiếu hụt nguồn lực y tế cơ sở như hiện nay, chủ yếu do cơ chế sử dụng nguồn lực của Nhà nước và ngành Y tế chưa hợp lý. Thế nên, không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là phải đầu tư cho con người - các nhân viên y tế ở tuyến thấp nhất. Họ cần cơ chế, hành lang pháp lý để được đào tạo liên tục, nâng cao chất lượng chuyên môn, song song với đó là bảo đảm thu nhập để đội ngũ này ổn định cuộc sống.
Mới đây (ngày 19/6/2020), Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia) được Quốc hội thông qua với 452/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Đây là một chủ trương đúng để thúc đẩy sự phát triển của cả quốc gia, với mục đích quan trọng nhất “không để ai ở lại phía sau”.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đưa ra mục tiêu về lĩnh vực y tế. Cụ thể, đến năm 2025, công tác y tế sẽ được tăng cường để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Kỳ vọng rằng, từ nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia này, mạng lưới YTCS sẽ tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực.
Trạm được đầu tư xây dựng to đẹp là thế, nhưng ở đây chúng tôi chỉ có 3 người đảm trách mọi công việc. Thiếu thốn nhân lực dẫn đến quá tải công việc, thậm chí những lúc đông bệnh nhân, chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh”.
Bác sĩ Hà Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước (Thanh Hoá)