Theo đó, ứng viên sẽ được tuyển dụng thông qua xét tuyển và hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền sau khi được tuyển dụng với mức hỗ trợ như sau: Tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi trở lên được hỗ trợ 55 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần mức lương cơ sở và tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 45 lần mức lương cơ sở. Đây là mức hỗ trợ 1 lần sau khi tiếp nhận người vào làm việc.
Một số tỉnh, thành khác cũng có chính sách ưu đãi sinh viên sư phạm giỏi về làm giáo viên các trường tại địa phương. Đây là tín hiệu tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cũng như thu hút người giỏi làm giáo viên.
Tuy nhiên, thực tế việc khó thu hút nhân tài không còn là câu chuyện của riêng địa phương nào. Đơn cử như TP. Hà Nội, qua khảo sát của Thành đoàn Hà Nội, 88 thủ khoa năm 2020 chỉ có 30 thủ khoa có nhu cầu làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Qua 18 năm, mặc dù đã tuyên dương 1.819 thủ khoa, nhưng TP. Hà Nội chỉ tuyển dụng được 186 thủ khoa, đạt xấp xỉ 10%.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhận định về thực trạng này là do chúng ta chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của chính sách phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; bố trí việc làm chưa phù hợp; cơ hội thăng tiến bị hạn chế; thu nhập, đãi ngộ thiếu thỏa đáng; môi trường, điều kiện làm việc không đủ sức hấp dẫn cho nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương không giữ chân được nhân tài.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lớn lao. Chính vì thế, việc thu hút và sử dụng nhân tài về phục vụ đất nước luôn là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước đặt ra. Thế nên cần có những chính sách hấp dẫn hơn, để “thảm đỏ” trải ra có đủ sức hút chiêu dụng nhân tài.