Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lưu giữ, quảng bá văn hóa dân tộc trên Youtube

Nghĩa Hiệp - 19:15, 11/08/2020

Youtuber (người làm Youtube) đã trở nên rất thịnh hành trong xã hội ngày nay. Làm Youtube đang được coi là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng về công nghệ thông tin cao để tạo ra các Video chất lượng. Lựa chọn chủ đề về văn hóa, bản sắc dân tộc, cùng cách thể hiện mộc mạc, chị Tằng Liên, dân tộc Dao (nhóm Dao Thanh Y), xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã tạo nên một kênh Youtube thực thụ của bản Dao. Hiện tại, các Clip của chị đã góp phần đưa văn hóa dân tộc Dao đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trang phục truyền thống, văn hoá dân tộc Dao được chị Tằng Liên lưu giữ qua các video đăng trên Youtube.
Trang phục truyền thống, văn hoá dân tộc Dao được chị Tằng Liên lưu giữ qua các video đăng trên Youtube.

Tại Lễ hội Kiêng gió của đồng bào Dao diễn ra ở thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tôi may mắn được gặp chị Tằng Liên khi chị đang mải mê tác nghiệp với chiếc điện thoại Smartphone. Mặc trên mình trang phục truyền thống của dân tộc Dao, vừa quay Clip, vừa bình luận bằng tiếng Dao, chị đã khiến nhiều người chú ý bởi sự mới lạ, khác biệt của mình. “Mình đang quay Video cho kênh Youtube Liên Quảng Ninh của mình. Lễ hội nào của người Dao mình cũng quay như thế. Vừa để quảng bá, lưu giữ văn hóa dân tộc, vừa để tăng thêm thu nhập cho bản thân”.

Vào kênh Youtube để tìm hiểu về Youtube Liên Quảng Ninh mà chị Tằng Liên vừa nói, tôi không khỏi giật mình khi thấy kênh cá nhân của chị mới hoạt động chưa được 2 năm, mà đã có trên 500 Video được đăng tải, cùng hơn 300 nghìn người theo dõi kênh. Quan trọng hơn, kênh Youtube Liên Quảng Ninh đã được Youtube đồng ý trả tiền cho các Video đăng tải thông qua số lượng lượt xem. Từ đây, chị Tằng Liên đã có thể chạy các Video quảng cáo để kiếm thêm thu nhập…

Cùng với số lượng lớn Video về trang phục, lễ hội dân tộc Dao, ẩm thực đặc sắc, bài thuốc của đồng bào Dao, chị Liên còn dựng nhiều Video giới thiệu về bản làng, thiên nhiên, du lịch cộng đồng cùng những bài hát tiếng Dao, như: Ngày xưa người Dao yêu núi và tiếng cười của tôi; Hát đối bản sắc Dao; Hát về người nghèo của người Dao Thanh Y… Nét độc đáo của các Video mà chị Tằng Liên xây dựng đó chính là sự xen lẫn giữa ngôn ngữ tiếng Dao và ngôn ngữ tiếng Việt, từ đó giúp người xem vừa có thể cảm nhận được các làn điệu dân ca Dao cổ, vừa hiểu được ý nghĩa của từng Video.

Hiện nay, kênh Youtube của chị Tằng Liên không chỉ được nhiều người yêu thích mà còn tạo ra nguồn thu ổn định với số tiền trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng, do quản lý kênh Youtube chi trả. Ngoài ra, chị còn có thêm thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo trên kênh cá nhân của mình với số lượng người theo dõi kênh ngày một tăng.

Dù các Video do chị Liên làm còn khá đơn giản, nhưng với lối dẫn bằng tiếng Dao mộc mạc, chân thật, có phiên âm tiếng Việt, kênh Youtube “Liên Quảng Ninh” thật sự đã trở thành điểm đến văn hóa của người Dao Thanh Y tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Có thể thấy, đây chính là sự sáng tạo, nhanh nhạy của đồng bào DTTS khi tiếp cận công nghệ 4.0 trong xu thế hội nhập và phát triển, từ đó vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tự tin, hòa nhập với cộng đồng thế giới…

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.