Đối với đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lay, các vật dụng thủ công như ghế mây, cóng khẩu (một vật dụng làm bằng tre có hoa văn dùng để đựng cơm, xôi…) vô cùng quan trọng trong đời sống của người Thái. Như trong đám cưới, mỗi khi con gái lấy chồng, một trong những đồ cưới bắt buộc là 1 đôi ghế mây, 1 đôi cóng khẩu tượng trưng cho hai vợ chồng trẻ có đôi có cặp.
Để làm hoàn thiện một sản phẩm mây, tre đan cần rất nhiều công đoạn như chọn nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, tạo hình khuôn, chẻ vót thành sợi, hong khô… Nguyên liệu để làm chủ yếu là cây mây, cây giang, bởi những loại cây này có độ mềm dẻo cao, khi được phơi khô, hong khô trên bếp sẽ bền, ít bị mối mọt.
Các sản phẩm được làm thường là ghế mây, mẹt, cóng khẩu, giỏ bắt cá. Trong đó nổi bật nhất, nhiều công đoạn cần sự tỉ mỉ, kỳ công có lẽ là ghế mây, vật dụng đặc trưng được chế tạo chủ yếu bằng cây mây.
Ghế mây cấu tạo gồm hai vành tròn cây song làm chân ghế, mặt ghế, được đục đẽo, nối nhau bằng 8 thanh gỗ trắc phòng ngừa mối mọt, sau khi tạo thành phần khung, người thợ thủ công sẽ tiến hành đan mặt ghế mây, đây là công đoạn kỳ công nhất.
Đối với một thợ lành nghề, một ngày không tính các công đoạn đục đẽo, chuẩn bị vật liệu, dựng khung, chỉ tính riêng đan mặt ghế, thợ thủ công chỉ có thể làm 3 chiếc. Mỗi chiếc tùy thuộc vào ghế thấp, ghế cao mà có mức giá khác nhau dao động từ 250.000 đồng - 350.000 đồng.
Theo xu hướng hiện đại, các vật dụng hằng ngày dần bị thay thế, nghề truyền thống cũng ít người làm hơn nhưng không vì vậy mà mất đi. Tại thị xã Mường Lay còn khá nhiều thợ thủ công mây tre đan hằng ngày vẫn miệt mài, tỉ mỉ tạo hình, trau chuốt các sản phẩm thủ công truyền thống. Mỗi vật dụng, mỗi đồ thủ công như nhuốm màu thời gian, là tinh hoa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.