Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tăng “sức hút” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Trương Vui - 19:19, 22/08/2023

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) là những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các làng nghề Việt Nam, có giá trị to lớn trong cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tạo mẫu cho các sản phẩm này đang là một yêu cầu quan trọng được đặt ra cho các chủ thể sản phẩm, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh của mỗi làng nghề.

Mẫu mã, thiết kế chính là yếu tố quan trọng góp phần tăng "sức hút" cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Ảnh: TL)
Mẫu mã, thiết kế chính là yếu tố quan trọng góp phần tăng "sức hút" cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Ảnh: TL)

Nhiều sản phẩm đứng trước nguy cơ 

Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Sản phẩm TCMN làng nghề, không chỉ góp phần phát triển đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhấn mạnh rằng, các sản phẩm này còn có thể mang lại lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã.

Theo ông Dần, hiện nay, phần lớn các sản phẩm TCMN vẫn sản xuất theo hình thức truyền thống, chưa coi trọng đầu tư khâu thiết kế mẫu mã. Một số sản phẩm dù đã được cải tiến cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nhìn chung, hình thức, mẫu mã của các sản phẩm này vẫn còn chưa thật sự đổi mới, đột phá để theo kịp sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường và nhu cầu ngày càng nâng cao của khách hàng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết thêm, hiện có tới 90% sản phẩm TCMN của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, trong đó mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chính là một nguyên nhân của sự bất cập này.

Điều này xuất phát từ việc số lượng nghệ nhân tại các làng nghề có kiến thức, kỹ xảo chuyên môn về nghề truyền thống không có nhiều. Cùng với đó, lớp nghệ nhân cao tuổi này lại thường gặp khó khăn trong khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, còn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, các sản phẩm TCMN có thể mang lại lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, các sản phẩm TCMN có thể mang lại lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã

Trong khi đó, những người trẻ mặc dù được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề, đồng thời sự hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế.

Chưa kể, những hạn chế về công nghệ và thiết bị trong quá trình thiết kế mẫu sản phẩm. Bởi hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề ở nước ta đều ở quy mô nhỏ lẻ, cả về tài chính, mặt bằng và cơ sở vật chất đều bị hạn chế, dẫn đến không thể đầu tư chiều sâu cho việc thiết kế mẫu mã mới.

Từ đó, đã khiến sức hấp dẫn của các sản phẩm TCMN đang bị giảm đi đáng kể, thiếu các sản phẩm có bàn tay thiết kế chinh phục sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là trong khi sản phẩm TCMN đang trong cuộc đua cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm cùng loại trên cả thị trường trong và ngoài nước.

“Tạo mẫu” cho sản phẩm 

Trong điều kiện phát triển và hội nhập của nền kinh tế, sản phẩm TCMN, cũng như các loại hàng hóa khác của nước ta đang đứng trước rất nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt là những cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt để bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng.

Trong cuộc cạnh tranh này, ngoài vấn đề cần phải nâng cao năng lực sản phẩm về nhiều mặt như: giá cả, công năng sử dụng, những yêu cầu rất khắt khe về môi trường, an toàn lao động và an toàn cho người tiêu dùng…,thì mẫu mã, kiểu dáng vẫn là một yếu tố rất quan trọng trong việc cấu thành sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đó là sự thể hiện yếu tố mỹ thuật, văn hóa, làm sao vừa có thể giữ nguyên những yếu tố truyền thống nền tảng, vừa “thổi” những hơi thở sáng tạo, đổi mới, “hiện đại hóa truyền thống”, để sản phẩm TCMN có thể thích ứng với nhu cầu thị trường, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự thu hút của sản phẩm TCMN, đặc biệt là trên thị trường xuất khẩu.

Thời gian qua, sản phẩm TCMN ở nước ta đã được cải tiến rất nhiều về mẫu mã, bao bì, đóng gói, chất lượng, tuy nhiên những chuyển biến đó vẫn chưa đủ để có thể đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Nhiều hộ sản xuất làng nghề còn chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, mà chỉ duy trì sản xuất theo thói quen cũ, chậm đổi mới, rập khuôn theo các mẫu có sẵn trên thị trường.

Vừa giữ nguyên những yếu tố văn hóa truyền thống, vừa đưa đến hơi thở sáng tạo, hiện đại chính là một yếu tố quan trong giúp tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm TCMN (Ảnh: TL)
Vừa giữ nguyên những yếu tố văn hóa truyền thống, vừa đưa đến hơi thở sáng tạo, hiện đại chính là một yếu tố quan trong giúp tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm TCMN (Ảnh: TL)

Do đó, theo TS Tôn Gia Hoá, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để nâng cao vị thế cho các sản phẩm TCMN, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu TCMN cần quan tâm hơn đến thị hiếu của người tiêu dùng, bởi đây là yếu tố thường thay đổi theo thời gian. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế hướng đến thị trường trung và cao cấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu ngành, thương hiệu doanh nghiệp gắn với xúc tiến thương mại. Bởi khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các sản phẩm TCMN sẽ phải đối diện với những cạnh tranh ngày càng cao, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng. Vì vậy, cần tạo sự khác biệt và đẳng cấp mà vẫn thể hiện được những đặc trưng văn hóa truyền thống khi sản xuất sản phẩm.

Muốn phát triển toàn diện ngành TCMN Việt Nam, cần coi tính thẩm mỹ, ứng dụng là một trong những tiêu chí “sống còn” của sản phẩm, góp phần tạo ra nhiều tiềm năng phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành TCMN Việt Nam trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.