Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ Xơ Đăng

PV - 10:23, 20/03/2023

Lớp học xóa mù chữ ở xã Măng Búk, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được mở với học sinh là các chị, các mẹ người dân tộc Xơ Đăng. Những bàn tay thô ráp chỉ quen việc ruộng rẫy đã nắn nót từng nét chữ.

Bà Y Phiên nắn nót viết chữ. Ảnh: NS
Bà Y Phiên nắn nót viết chữ. Ảnh: NS

Hơn 3 tháng nay, vào 6 giờ tối tại Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú cấp 1, 2 Măng Búk 2 (xã Măng Búk, huyện Kon Plông), có 32 học viên là phụ nữ người dân tộc Xơ Đăng miệt mài rọi đèn đến học chữ. Sau khi làm xong ruộng rẫy và chăm lo bữa tối cho gia đình, các chị, các mẹ mới bắt đầu cắp sách đến lớp.

Vào cuối tháng 11/2022, huyện Kon Plông triển khai lớp học xóa mù chữ. Nghe tin, bà Y Phiên không chờ các cán bộ thôn đến nhà vận động mà lập tức xung phong đi học. Trò chuyện với bà Y Phiên (54 tuổi) được biết, đây là lần đầu tiên bà đến lớp học chữ.

Bà Y Phiên kể: Trước đây, gia đình tôi nghèo khó, bố mẹ đông con, lại là con gái, mà trường học ở xa, tôi không thể đi học, nên không biết chữ. Hơn nửa đời người, tôi chỉ biết làm ruộng, làm thuê để nuôi con cái ăn học, cộng thêm công việc gia đình đã chiếm hết thời gian, khiến tôi nghĩ rằng tới cuối đời mình cũng không biết chữ.

“Những ngày đầu tham gia học chữ viết rất vất vả, nhưng tôi muốn biết đọc, biết viết tên của mình, nên cố gắng học”, bà Y Phên nói.

Ngồi cạnh bà Y Phiên, chị Y Phên (38 tuổi) cũng chưa một lần cầm bút viết. Chị Y Phên có 2 người con, con lớn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế, con thứ 2 đang học lớp 11 - Trường PTDT Nội trú tỉnh Kon Tum.

Năm học nào con cũng có giấy khen đưa về, nhưng chị Y Phên chẳng biết trên đó viết gì. Không biết chữ, hỏi thì ngại nên người mẹ chẳng dám khoe với bà con xóm giềng. Lớp xóa mù chữ được mở, thầy cô giáo và chính quyền địa phương tuyên truyền nên chị Phên quyết đăng kí tham gia.

“Tôi chưa một lần được đi học nên không biết chữ. Có những lần lên xã làm giấy tờ thì chỉ lăn tay điểm chỉ, đến việc khai sinh cho mấy đứa con, tôi cũng phải nhờ người viết giúp. Khi được cán bộ, thầy cô đến nhà động viên đi học, chồng con ủng hộ ngay. Được đi học, biết chữ, tự viết được tên mình, tôi vui lắm”, chị Y Phên chia sẻ.

Toàn cảnh buổi học của những người phụ nữ ở xã Măng Búk. Ảnh: N.S
Toàn cảnh buổi học của những người phụ nữ ở xã Măng Búk. Ảnh: N.S

Được phân công trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ, cô Đinh Ái Nga - giáo viên lớp 1- Trường PTDT Bán trú cấp 1, 2 Măng Búk 2 cho biết, lớp học chữ đã được duy trì hơn 3 tháng nay, khi đến lớp học viên được hỗ trợ sách vở, bút viết… thời gian học vào buổi tối từ thứ 2 tới thứ 5 hằng tuần. Trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn nên những người phụ nữ Xơ Đăng không được đến trường. Bây giờ, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, lớp học xóa mù chữ được mở ra, họ mới mạnh dạn đăng ký đi học.

Khi tham gia lớp, cô Nga phải nghiên cứu, xây dựng phương pháp giảng dạy làm sao ngắn gọn, súc tích nhất để học viên dễ nắm bắt. Những buổi đầu đến lớp, những bàn tay lâu nay chỉ quen với cầm cày, cầm cuốc, giờ nắn nót từng nét chữ, từng con số, cho thấy ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này. Giờ đây, các học viên đã nghe, đọc và viết thành thạo.

Chị Y Biên (35 tuổi) là học viên được cô Nga rèn đọc, viết nhiều nhất. Những ngày đầu, gặp chữ khó, chị Biên lại nhờ cô Nga cầm tay uốn nắn từng nét chữ và dạy đánh vần bảng chữ cái. Qua 3 tháng, với sự ân cần của giáo viên mà chị Biên đã viết và đọc được. Chị Biên bày tỏ: Từ ngày đi học đến nay mình đã biết viết họ tên, biết đọc và biết các con số. Ngày trước không biết chữ thì nhìn cái gì cũng không hiểu. Nay về nhà cầm cuốn sách hay dòng chữ chạy trên ti vi cũng biết được là chữ gì rồi.

Theo ông Võ Xuân Tựu - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, trên địa bàn huyện có 4 lớp xóa mù chữ đã được mở tại các xã Đăk Ring, Măng Búk, Hiếu và Ngọk Tem. Các lớp học đã thu hút 116 học viên tham gia, hầu hết là người DTTS từ 20 đến 69 tuổi.

“Phòng đã phối hợp với các trường trên địa bàn huyện phân công giáo viên dạy và bố trí về cơ sở vật chất. Ngoài ra, sau khi hoàn thành khóa học từ lớp 1 đến lớp 3 trong vòng 16 tháng, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng”, ông Võ Xuân Tựu cho biết thêm.  

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.