Mờ nhạt trong tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng
Giai đoạn 2016 - 2020, khi thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) cấp thôn/bản, một trong những yêu cầu được đặt ra hàng đầu, là phải có sự tham gia thực hiện của cộng đồng. Trong đó, có sự ưu tiên đối với phụ nữ, như: Ưu tiên các công trình có nhiều phụ nữ là đối tượng hưởng lợi; ưu tiên phụ nữ tham gia hoạt động được trả công…
Nhưng trên thực tế, vai trò của phụ nữ khi tham gia vào quá trình xây dựng CSHT còn mờ nhạt. Một phần nguyên nhân là do những quy định chung chung trong các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án.
Cụ thể, về khâu lập kế hoạch một dự án CSHT, theo Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT ngày 14/12/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các Chương trình MTQG, thì chỉ có đại diện của các thôn được mời tham gia góp ý cho dự thảo kế hoạch của xã. Do đó, người dân, trong đó có phụ nữ, không có nhiều cơ hội góp ý.
Còn khi thi công, Nghị định số 161/2016/NĐ-CP, ngày 2/12/2016 của Chính phủ quy định, đối với công trình CSHT cấp thôn, chính quyền địa phương chỉ giao tổ, nhóm thợ thực hiện khi cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể không đăng ký thực hiện gói thầu, hoặc không đáp ứng yêu cầu. Nhưng vì chung chung như vậy, nên không thể hiện được sự ưu tiên đối với phụ nữ được tham gia thi công để có thu nhập.
Nguyên nhân là, quan niệm phổ biến trong việc tham gia làm công tại các công trình CSHT là công việc “nặng nhọc” hay đòi hỏi về mặt “kỹ thuật”, vì vậy “không thích hợp” với phụ nữ. Nhưng khảo sát của Care Việt Nam (tổ chức nhân đạo hàng đầu chống đói nghèo toàn cầu và cứu trợ khẩn cấp) đối với đại diện 200 hộ gia đình DTTS (65% là nữ) tại 24 thôn/bản thuộc 8 xã, 4 huyện của 4 tỉnh (Lào Cai, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Trà Vinh) mới đây cho thấy, đa số phụ nữ đều không đồng tình với quan niệm này.
Chưa rõ ưu tiên giới trong sản xuất
Đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, theo quy định, các hoạt động này được hỗ trợ cho các tổ nhóm; không tập trung vào từng hộ hay từng cá nhân riêng lẻ, đồng nghĩa không phân tách rõ ràng về giới.
Tuy nhiên, Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện nội dung này lại ban hành muộn (ban hành ngày 9/10/2017). Vì thế, trong hơn 2 năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững vẫn triển khai theo cơ chế “ưu tiên phụ nữ” của giai đoạn 2012 - 2015.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, là do phụ nữ DTTS luôn yếu thế trong tìm kiếm việc làm; một phần do gánh nặng việc nhà, đôi khi thêm rào cản về khả năng sử dụng tiếng phổ thông và những định kiến xã hội khác nên rất khó tìm việc ngoài địa bàn cư trú. Do đó, sản xuất nông nghiệp cấp hộ gia đình là lựa chọn sinh kế chính của phụ nữ DTTS. Hơn nữa, đại đa số các mô hình sinh kế mà các địa phương miền núi triển khai lâu nay đều xoay quanh cây/con, góp phần “đóng đinh” sinh kế của phụ nữ DTTS vào sự lựa chọn duy nhất này.
Điều này lý giải phần nào vì sao phụ nữ đóng vai trò chính trong việc tham gia các mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất nhưng sự tham gia có phần thụ động, chưa phát huy được sự nỗ lực vươn lên, vận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của chính sách.