Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên phần nhiều là do thiên tai nhưng cũng không thể không nghi ngờ chất lượng các cột điện. Bởi, khi gãy, đổ, các trụ này lòi ra lõi thép là những cọng thép bằng que đũa. Người dân cho biết trong khi một số trụ có thép bằng ngón tay cỡ phi 10-12 thì trụ điện gần nhà của họ lại chỉ cỡ phi 6 và đặt vấn đề hoài nghi, liệu chất lượng có bảo đảm?
Rõ ràng, cứ đổ cho khách quan là có phần oan cho “ông trời” và rồi phần trách nhiệm cũng sẽ lại “hòa cả làng”. Bằng cảm quan, cũng sẽ nhận thấy kết cấu trụ điện với thép phi 6 là quá nhỏ so với kích thước trụ điện. Với những cơn bão mạnh như bão số 12, chuyện gãy, đổ là tất yếu.
Hiện nay, trên cả nước cũng có rất nhiều công trình giao thông mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu thì đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Chủ đầu tư cứ đổ lỗi do mưa bão, nắng nóng cho nhẹ phần trách nhiệm. Liệu điều này đã thực sự hợp lý?
Còn nhớ trên Nghị trường Quốc hội trước đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tâm (tỉnh Tây Ninh) nói bão đến quét đi nhiều công trình chất lượng kém. “Bão là nỗi sợ của người dân nhưng cũng là cơ hội để xóa đi những dấu vết của tiêu cực, tham nhũng ở đây. Có biện pháp nào để khắc phục tình hình, để quy buộc trách nhiệm các bên liên quan, để quản lý công trình xây dựng, tránh lãng phí, thất thoát, để nếu có thiên tai cũng không thể xóa hết những dấu vết sai phạm?”
Câu hỏi đó đến nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Người trong cuộc vẫn quen đổ lỗi cho ông trời và thầm cảm ơn ông trời không bật lại. Nhưng họ quên hay cố tình quên rằng phía trên họ còn có dư luận của người dân, còn “vương pháp” của Nhà nước. Hy vọng rằng qua những vụ việc này cần xem xét đúng người đúng trách nhiệm.
Thiên Đức