Tết đầu nông thôn mới
Vĩnh Hảo là xã vùng II của huyện Bắc Quang (Hà Giang), nơi sinh sống của 1.179 hộ, thuộc nhiều dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Cờ Lao (31 hộ/155 nhân khẩu),... Gần 10 năm trước, dù được xem là xã thuộc diện khá nhất của huyện nhưng toàn xã Vĩnh Hảo chỉ có 170 hộ giàu, 340 hộ khá, còn lại là hộ nghèo và hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 15 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã chỉ đạt 8/19 tiêu chí.
Gần một thập kỷ xây dựng NTM, Vĩnh Hảo đã “thay da đổi thịt”. Tính đến tháng 11/2018, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đã được UBND tỉnh Hà Giang thẩm định hồ sơ để công nhận đạt chuẩn NTM trước Tết Kỷ Hợi 2019.
Trong không khí rộn ràng đón tết vui Xuân Kỷ Hợi, mừng xã “cán đích” NTM, ông Vàng Chá Sẩu, dân tộc Cờ Lao, ở thôn Khuổi Phạt quyết định làm lễ cúng thổ công và cúng gia tiên to hơn năm ngoái. Ông bảo, ông và bà con trong thôn rất phấn khích sau một năm mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, kinh tế địa phương phát triển; đời sống của 132 hộ ở thôn Khuổi Phạt, trong đó có 27 hộ dân tộc Cờ Lao, được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Có lẽ ông Sẩu sẽ vui hơn khi biết không chỉ riêng ở thôn Khuổi Phạt mà tại 11 thôn của xã Vĩnh Hảo, đời sống của đồng bào các dân tộc anh em đã khá hơn trước rất nhiều. Tính đến tháng 11/2018, thu nhập bình quân của xã Vĩnh Hảo đạt gần 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 6%, tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 3,39%; tỷ lệ sử dụng điện, nước đạt gần 100%...
Đặc biệt hơn, với 31 hộ dân tộc Cờ Lao sinh sống trên địa bàn xã (27 hộ ở thôn Khuổi Phạt, 15 hộ ở thôn Khuổi Ít), từ chỗ thường xuyên thiếu đói thì hiện đã có 3 hộ khá, 22 hộ trung bình, 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Đây là số liệu được Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Giang ghi nhận khi thực hiện giám sát kết quả triển khai Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cờ Lao” trên địa bàn xã Vĩnh Hảo tại thời điểm giữa năm 2018.
“Quả ngọt” trong xây dựng NTM nói chung và sự đổi thay rõ rệt của 31 hộ dân tộc Cờ Lao nói riêng ở xã Vĩnh Hảo, một phần lớn là nhờ nguồn lực các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cờ Lao”. Ngoài việc được hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững, 31 hộ dân tộc Cờ Lao ở Vĩnh Hảo còn được hỗ trợ xóa nhà tạm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tiếp cận văn hóa thông tin, chăm sóc y tế, giáo dục,… từ kinh phí của Đề án này.
Tiếp sức cho hành trình chông gai
Chia sẻ về kết quả thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cờ Lao”, ông Trần Đức Quý-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết, ngoài 31 hộ ở xã Vĩnh Hải thì trên địa bàn tỉnh còn có 489 hộ dân tộc Cờ Lao sinh sống tại 15 thôn, thuộc địa bàn 9 xã của 5 huyện. Đây đều là những địa bàn vùng núi cao, điều kiện kinh tế-xã hội hết sức khó khăn. Sau 5 năm (2013-2018), tỉnh đã được bố trí 55,172 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của Đề án.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án trong 5 năm qua, nếu quy ra tiền thì bình quân mỗi hộ được hưởng lợi từ Đề án hơn 106 triệu đồng; bình quân mỗi nhân khẩu được hưởng lợi hơn 21 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn lực từ chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững,… đã và đang đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS, trong đó có dân tộc Cờ Lao.
Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cờ Lao” tại Hà Giang là một bộ phận trong Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao” theo Quyết định 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2013 (thời điểm được bố trí vốn thực hiện) đến nay, Đề án đã thực sự giúp nhiều vùng đất khó ở 3 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang “nảy lộc”.
Theo ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ủy ban Dân tộc), các dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ nằm trong số 16 dân tộc dưới 10.000 người. Để tránh các nguy cơ tụt hậu, trong điều kiện khả năng ngân sách nhà nước có hạn, chưa đầu tư cùng một lúc cả 16 dân tộc, nên Ủy ban Dân tộc đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, trước mắt phê duyệt, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội 4 dân tộc này; nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo, tiến tới thoát nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn văn hóa truyền thống.
Sau 5 năm triển khai Đề án, dẫu đời sống của đồng bào các dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ còn rất nhiều khó khăn nhưng hiện nguy cơ tụt hậu so với các DTTS khác cơ bản đã được đẩy lùi. Như dân tộc La Hủ ở Lai Châu, trước đây đồng bào sống rải rác trong rừng sâu. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, không điện, đường, trường, trạm; sống chủ yếu dựa vào rừng.
Triển khai Đề án, đồng bào đã được định cư tập trung, được hỗ trợ dựng nhà, giống sản xuất và hướng dẫn cách làm ăn... Cuộc sống của bà con dẫu chưa hết nghèo, nhưng cũng thay đổi rất nhiều; con cái có điều kiện đến trường, khi ốm đau có thể đến trạm y tế xã khám, chữa bệnh...
Một mùa Xuân nữa lại về trên vùng đồng bào dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ. Xuân mới Kỷ Hợi đã khác Xuân xưa, nhưng hành trình thoát nghèo của bà con đang còn nhiều khó khăn, thử thách. Trên con đường đó, cộng đồng 4 dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng hành yêu thương của những tấm lòng chia sẻ.
KHÁNH THƯ