Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lĩnh vực văn hóa-thể thao ở cơ sở: Lỗ hổng lớn trong công tác cán bộ

PV - 09:12, 09/04/2018

Cán bộ văn hóa-xã hội ở cấp xã là một trong 7 chức danh chuyên môn, nghiệp vụ được cơ cấu “cứng” trong bộ máy cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, tại một số địa phương miền núi vẫn còn tồn tại thực trạng người không có chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa vẫn phải kiêm nhiệm thêm công tác văn hóa.

Một số nơi có bố trí cán bộ phụ trách văn hóa nhưng chỉ theo diện hợp đồng, không ổn định, với mức phụ cấp bèo bọt không đủ sống. Thực trạng cán bộ văn hóa cơ sở chưa được đánh giá đúng tầm, chưa được “đội đúng mũ” là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả công tác văn hóa-xã hội ở cơ sở bị trì trệ, hiệu quả thấp.

“Cán bộ nào, phòng trào đó”

Xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thời điểm năm 2011 trở về trước chỉ có duy nhất một cán bộ phụ trách mảng văn hóa-xã hội, đó là anh Vàng Chúng Lòng, dân tộc Mông, trình độ trung cấp nông nghiệp. Làm công tác chuyên trách về mảng lao động-thương binh-xã hội, kiêm thêm lĩnh vực văn hóa-thông tin cơ sở. Vì không có chuyên môn nên anh Lòng rất lúng túng và chịu nhiều áp lực khi triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn-xã.

Địa phương nào có cán bộ giỏi nơi đó có phong trào Văn hóa-Thể thao phát triển mạnh. (Trong ảnh: Các vận động viên dân tộc Chăm đua thuyền rồng tại huyện An Phú, An Giang). Địa phương nào có cán bộ giỏi nơi đó có phong trào Văn hóa-Thể thao phát triển mạnh.(Trong ảnh: Các vận động viên dân tộc Chăm đua thuyền rồng tại huyện An Phú, An Giang).

 

“Nỗi khổ” của anh Vàng Chúng Lòng chỉ được giải tỏa khi cuối năm 2011, xã Kan Hồ chính thức tuyển chọn được một cán bộ công chức trẻ-tốt nghiệp trung cấp văn hóa về phụ trách công tác văn hóa thông tin ở cơ sở, đó là em Hù Cố Chối, dân tộc Si La, cũng là người địa phương. Có thêm cán bộ chuyên trách văn-xã các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, thông tin, tuyên truyền hay bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa… tại địa phương ngày càng được đẩy mạnh, phát triển, hiệu quả đi vào chiều sâu, chất lượng hơn.

Còn tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) có anh So Chăm Minh, dân tộc Chăm, là bộ đội xuất ngũ, được xã bố trí phụ trách công tác văn hóa-xã hội của xã. Do thiếu bằng cấp nên So Chăm Minh chỉ được làm hợp đồng với mức phụ cấp 1,2 triệu đồng/tháng. Nhà cách trụ sở làm việc khoảng 2km, ngày 4 lượt đi về, công việc phụ trách văn hóa phải đi nhiều xuống các thôn, buôn nên hằng tháng, anh So Chăm Minh chi tiền mua xăng xe đã mất một nửa số tiền phụ cấp. So Chăm Minh cho biết, thu nhập chính của gia đình anh chủ yếu là nuôi bò và trồng sắn mía, còn công việc ở xã thì chỉ “làm cho vui” chứ không thể trông chờ vào đó. Cũng vì tư tưởng “làm cho vui” nên So Chăm Minh cũng như nhiều cán bộ làm công tác văn-xã ở miền núi chỉ đi làm “bữa đực, bữa cái”, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Hiệu quả công việc “được chăng hay chớ”…

Cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách

Thực trạng cán bộ, công chức ở cấp xã phải đội quá nhiều “mũ”, trong khi đó cán bộ chuyên trách văn hóa-xã hội lại chưa được “đội đúng mũ” ở một số địa phương miền núi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng èo uột, nghèo nàn về các phong trào, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở.

Cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội là người tham mưu đắc lực cho chính quyền địa phương xây dựng các đề án, dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc tại địa phương. (Trong ảnh: Tiết mục múa của đồng bào Chăm –Ninh Thuận trong ngày Tết Ka tê). Cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội là người tham mưu đắc lực cho chính quyền địa phương xây dựng các đề án, dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc tại địa phương. (Trong ảnh: Tiết mục múa của đồng bào Chăm –Ninh Thuận trong ngày Tết Ka tê).

 

Tại tỉnh Bình Phước, trong buổi làm việc của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) với UBND xã Tân Thành (thị xã Đồng Xoài) mới đây, ông Phạm Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Tân Thành có tất cả 13 cán bộ, công chức và cán bộ hoạt động không chuyên trách phụ trách công tác văn hóa-xã hội. Trong số này có 6 cán bộ thuộc diện hoạt động không chuyên trách (trong đó có cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội) mức phụ cấp chỉ từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/tháng. Với mức phụ cấp thấp như hiện nay, cán bộ không chuyên trách khó có thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hằng ngày để yên tâm công tác. Còn đối với một số cán bộ phải kiêm thêm nhiều lĩnh vực khác thì luôn trong tình trạng quá tải công việc.

Còn tại Quảng Bình, thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch năm 2016 cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 200 cán bộ làm công tác văn hóa tại các xã, phường, thị trấn. Lực lượng này được đào tạo cơ bản: trên 70% tốt nghiệp các trường đại học chuyên ngành xã hội, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi chiếm 86%. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó vẫn chưa được đào tạo đúng chuyên ngành văn hóa, thiếu kinh nghiệm cũng như chưa am hiểu sâu về văn hóa địa phương, văn hóa các DTTS. Những khiếm khuyết này làm mờ nhạt vai trò tham mưu, hỗ trợ đắc lực của cán bộ chuyên trách văn hóa đối với chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa-xã hội, trong xây dựng các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và bảo tồn phát huy các di sản văn hóa tại địa phương…

Từ những hạn chế, bất cập trong công tác bố trí, quản lý, sử dụng cán bộ chuyên trách văn hóa-xã hội tại cấp xã ở một số địa phương, ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho rằng, việc cần làm ngay là ổn định, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; tăng cường các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đồng thời, mỗi địa phương cần phải linh động có giải pháp riêng để phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ này, từ việc thường xuyên có sự giao lưu, kết nối văn hóa văn nghệ với các địa phương khác cho đến hỗ trợ cán bộ văn hóa vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa nâng cao nghiệp vụ...

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Truyền dạy Nghệ thuật làm gốm truyền thống cho người Chăm làng Bàu Trúc

Truyền dạy Nghệ thuật làm gốm truyền thống cho người Chăm làng Bàu Trúc

Thực hiện Dự án 6 - Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận phối hợp với UBND thị trấn Phước Dân tổ chức lớp truyền dạy Nghệ thuật làm gốm truyền thống người Chăm tại Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân.