Trong cuốn lịch sử ngành Giao thông Hà Tĩnh có vẻn vẹn đôi dòng ngắn ngủi về sân bay Li Bi, về những trận bom ác liệt trên tuyến đường 22 khiến nhiều TNXP, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh…
Qua nhiều tư liệu chúng tôi có được, đầu năm 1965, chỉ có 2 tuyến đường nối miền Bắc với chiến trường miền Nam chạy dọc trên đất Hà Tĩnh là quốc lộ 1 và quốc lộ 5.
Để phá thế độc tuyến ấy, ngành giao thông vận tải đã tổ chức lực lượng mở tuyến đường 21. Sau khi thông xe, tuyến đường này đã hỗ trợ một cách có hiệu quả cho quốc lộ 1 và quốc lộ 5. Tuy nhiên, cuối năm 1966, địch đánh phá ác liệt xuống quốc lộ 1 để ngăn chặn những đoàn xe vận tải vào Quảng Bình. Từ đây, Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở đường 22.
Tuyến đường chiến lược 22 được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cuối năm 1966 để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuyến đường dài 65km, từ ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Lực lượng tham gia mở đường 22 gồm 4 đội TNXP với khoảng hơn 6.000 người. Đến cuối năm 1970 - đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành.
Trong quá trình mở đường 22, lực lượng quốc phòng đã chọn vùng Đá Bạc để xây dựng công trình quốc phòng 723 (còn gọi là sân bay dã chiến Li Bi - tên đặt theo một khe suối ở làng Đá Bạc, xã Cẩm Mỹ). Hồ Kẻ Gỗ lúc bấy giờ chưa đắp đập, tích nước như bây giờ nên một phần tuyến đường 22 đi qua vùng lòng hồ.
Đến tháng 9/1972, một đoạn nằm giữa hồ Kẻ Gỗ được chọn để làm đường băng cho sân bay dã chiến Li Bi. Vị trí này nằm giữa một thung lũng rất rộng và bằng phẳng. Theo các nhân chứng kể lại, đường băng sân bay lúc bấy giờ chỉ mới thi công đến giai đoạn san gạt đất đá. Đường chính vẫn là sử dụng tuyến đường 22, nhưng được san gạt 2 bên rộng ra so với các đoạn khác.
Bà Nguyễn Thị Đàn ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nhớ lại: Tôi từng là công nhân Công ty Xây dựng Hà Tĩnh. Cuối năm 1972, tôi cùng nhiều công nhân nhận lệnh lên hồ Kẻ Gỗ làm nhiệm vụ, thời gian làm việc dự kiến là 3 tháng. Công ty chúng tôi đi 2 tổ, khoảng chừng 40 người. Khi lên đến nơi thì chúng tôi mới biết là làm đường băng cho sân bay Li Bi. Ban đêm bộ đội lái máy ủi, san lấp đất đá. Đến mờ sáng thì công nhân chúng tôi lên rừng gánh cây sim, cây mua về đặt xuống mặt đường băng ngụy trang.
Sân bay dã chiến Li Bi gắn với tuyến đường 22 được xác định là sân bay gần nhất để miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1972 - đầu năm 1973, sân bay cơ bản hoàn thành nhưng bị địch phát hiện rồi dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt. Để rồi, một công trình trọng điểm, tốn bao xương máu của quân và dân ta, chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom.
Ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Dù đã bị nước nhấn chìm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ nhưng công trình đường băng sân bay Li Bi và sự hy sinh của quân và dân ta trên tuyến đường 22 là sự thật lịch sử không thể lãng quên. Tiếc rằng, quá ít người còn biết về sự tồn tại của sân bay này gắn với những trận bom ác liệt của kẻ thù.
Năm 1976, khi hòa bình lập lại, cấp trên cho chủ trương xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Hồ Kẻ Gỗ hoàn thành và tích nước, đưa mặt trận xưa chìm vào lòng hồ.
Trong hành trình mở cánh cửa lịch sử dưới lòng hồ Kẻ Gỗ, nhiều người đã không tiếc công sức để tìm lại nhân chứng một thời tham gia xây dựng sân bay Li Bi, tham gia xây dựng đường 22 trọng điểm… Đó là hành trình gian nan, mất rất nhiều thời gian của những năm tháng ròng rã bắt sự thật lên tiếng. Để rồi, từ ý tưởng của một vài cá nhân, đến sự đồng lòng của tỉnh Hà Tĩnh và Quyết định hỗ trợ xây dựng công trình tưởng niệm tại hồ Kẻ Gỗ của Bộ Quốc Phòng, một ngôi đền bề thế đã được dựng lên. Ngôi đền án ngữ bên bờ hồ Kẻ Gỗ, rọi soi xuống lòng nước trong xanh như mãi khắc ghi công lao, xương máu của những bậc tiền nhân đi trước.
Nếu ai chưa từng đến hồ Kẻ Gỗ thì khi nghe đến ca từ của bài hát “Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ”… sẽ vẫn luôn thấy mới mẻ, mời gọi và thôi thúc.