Nghề cha truyền con nối
Vào những năm 1989-1990, một số bà con Việt kiều từ Campuchia hồi hương đã tập trung về dòng sông La Ngà hình thành khu làng nổi. Hầu hết bà con đều có quá trình đánh bắt cá trên sông từ khi còn ở Campuchia nên khi về đây họ lại tiếp tục cuộc sống quen thuộc trên những chiếc bè với nghề nuôi cá bè. Những ngày đầu, làng bè cũng chỉ có vài chục hộ sống rải rác ở hạ nguồn cầu La Ngà, thấy làm ăn được, một số cư dân nghèo miệt sông nước miền Tây cũng kéo về đây lập nghiệp. Cao điểm có khi lên đến gần 200 hộ với lượng nhà bè tương ứng.
Bè nuôi cá là chiếc lồng được người dân làm bằng những loại gỗ tốt và chắc chắn nằm dưới nước, còn ở phần trên người dân làm nhà để ở. Mỗi bè có diện tích bề mặt trung bình khoảng 40m2. Tùy theo mùa vụ và nhu cầu thị trường, ngư dân nơi đây nuôi các loại như cá điêu hồng, cá lăng, cá chình, cá bống... Cuộc sống của người dân ở đây không khác gì ở trên bờ, mỗi bè đều có đầy đủ tivi, tủ lạnh, những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt gia đình…
4 giờ chiều, anh Hoàng Văn Tài bắt đầu công việc thường nhật của mình: đổ từng thau bột cám xuống bè cho cá. Anh Tài cho biết: Nếu thuận tiện thì bè cá này chỉ độ hai tháng nữa là bán được. Như vậy, mới có tiền bù lại đợt thất thoát nặng do cá chết hàng loạt hồi tháng 5 năm 2018 vừa qua. Tuy nhiên, với cái đà nước cứ rút dần như thế này, bùn lại nhiều không biết cá có lớn nổi không?”. Theo anh Tài, mùa cao điểm của vụ cá là vào tháng 4 và tháng 7. Đến thời điểm thu hoạch nếu nhà nào may mắn thì một vèo (tiếng địa phương chỉ bè cá) thu được gần 10 tấn. Mỗi tấn trừ chi phí sẽ thu được khoảng hơn 30 triệu đồng.
Làm thử một phép tính mỗi năm một hộ, trung bình thu được trên dưới 300 triệu đồng. Thế nhưng không phải ai cũng thuận buồm xuôi gió. Anh Tài ngậm ngùi: “Những ngày đầu từ miền Tây mới lên, tôi phải chạy vạy khắp nơi để có được một cái bè tạm bợ. Cố gắng hết sức mới trả hết nợ để ổn định cuộc sống, thì đợt cá chết trắng sông năm vừa rồi “nhẫn tâm” cuốn hết những gì tôi phải khó khăn lắm mới có được. Nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng vì gánh nặng cuộc sống đành gắng gượng tìm kế sinh nhai”.
Nổi trôi con chữ …
Mô hình nuôi cá bè tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng lại gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước do dư lượng thuốc kháng sinh cho cá, dầu nhớt từ các ghe thuyền và đặc biệt là chất thải sinh hoạt của hộ dân trên bè. Để hạn chế tình trạng này, thời gian gần đây, làng cá bè La Ngà đã được quy hoạch lại trên cơ sở giảm số lượng bè cá và gia đình người nuôi không được phép ở trên bè. Thế nhưng cho đến nay, đề án trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi về hướng phát triển làng nghề trong quá trình nuôi cá bè trên sông La Ngà thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài nhận định, nếu ngư dân tuân thủ những quy định thì sẽ hạn chế được cá chết hàng loạt. Trong đó, dứt khoát không tăng thêm bè, giảm bớt lồng vèo; lượng cá giống thả phù hợp với diện tích nuôi để cá phát triển tốt. Ngoài ra, các nhà bè phải kéo giãn xa nhau, không được dồn lại một chỗ với mật độ quá dày thì môi trường nước mới đảm bảo an toàn cho cá, nhất là vào thời điểm giao mùa mưa-nắng, nên hạn chế tập trung bè cá phía thượng nguồn để tránh ảnh hưởng khi môi trường nước thay đổi.
Hiện nay, dù người dân trên bè không còn phải lo chạy ăn từng bữa như vài năm trước, thậm chí có nhiều hộ còn trở thành “đại gia”, nhưng tỷ lệ con em họ được đến trường là rất thấp. Hộ dân nào thật khá mới cho con học lên cao, còn đa số chỉ cần học cho biết chữ là được. Bởi theo họ, lao động phổ thông, nuôi cá bè thì không cần phải học cao. Chính vì những tư tưởng đó mà việc vận động học sinh ở khu vực này đến trường là cả một vấn đề. Để hoàn thành tốt phong trào xã hội hóa giáo dục, chính quyền địa phương, các ban ngành, hội phải thường xuyên đến từng nhà bè vận động phụ huynh cho con em mình đi học.
BẰNG GIANG