Cô gái Ê Đê đi rước chồng
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tp.Buôn Ma Thuột tổ chức trình diễn nghi thức rước rể của người Ê Đê.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống nằm giữa khuôn viên xanh mát của Bảo tàng Đắk Lắk, các đại biểu, du khách và người dân buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột háo hức chờ xem nghi thức rước rể của người Ê Đê. Đây là nét văn hóa truyền thống thể hiện rõ chế độ mẫu hệ trong hôn nhân của dân tộc Ê Đê trên cao nguyên Đắk Lắk.
Già Y Thăm Kbuôr (69 tuổi), ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột chia sẻ: Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình. Trong hôn nhân người con gái phải đi hỏi cưới chồng, con cái sinh ra phải mang họ của người mẹ. Lễ cưới của người Ê Đê qua 4 bước: lễ hỏi chồng (Nao hul), lễ thỏa thuận (Knăm), lễ rước rể (Tuhan) và lễ lại mặt (Siê Knăm). Ngày nay, mặc dù thực hiện nếp sống văn minh, bà con tổ chức lễ cưới hiện đại hơn nhưng các nghi thức cưới hỏi vẫn được giữ gìn.
Khi muốn lấy người con trai ưng ý làm chồng, cô gái Ê Đê phải nhờ ông mai, là em trai của mẹ hoặc người lớn tuổi trong dòng họ nhà gái có uy tín, khỏe mạnh, am hiểu luật tục, ăn nói lưu loát. Sau đó chuẩn bị một ché rượu và một chiếc vòng đồng để ông mai mang đến nhà trai làm lễ hỏi chồng. Đại diện hai bên gia đình gặp mặt, nói chuyện, chàng tra nhận lời ngõ của nhà gái sẽ nhận chiếc vòng đồng làm vật đính hôn.
Tiếp đến, nhà gái sẽ dẫn cháu gái của mình đến nhà trai thỏa thuận về tục “gửi dâu” ở nhà trai. Thời gian này, nhà trai sẽ thử thách lòng chung thủy, nết na, sự chịu thương, chịu khó của người con gái trong khoảng thời gian từ 2-3 năm, tùy theo sự thỏa thuận, thống nhất của hai bên.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của nhà gái, tại lễ “gửi dâu” phía nhà trai có quyền yêu cầu các lễ vật, buộc nhà gái phải đáp ứng đủ những lễ vật theo yêu cầu để tỏ lòng biết ơn công sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc của ba mẹ chàng trai đối với người chồng tương lai của cô gái.
Nét đẹp văn hóa của người Ê Đê
Sau thời gian "gửi dâu", nếu người con trai đổi ý, không muốn lấy cô gái thì phía nhà trai sẽ mời nhà gái đến nói lời từ chối. Ngược lại, nếu nhà trai chấp thuận cô gái thì sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành lễ rước rể. Trong ngày rước rể, nhà trai sẽ chuẩn bị một ché rượu và một con heo để tiễn con trai về nhà vợ.
Để rước chàng rể về, nhà gái phải mang các lễ vật mà gia đình nhà trai đã yêu cầu trong lễ “gửi dâu” gồm vòng đồng, một ché rượu cần, một gói xôi và một con gà trống. Chiếc vòng đồng được xem như là lời cam kết thủy chung của chàng trai đối với cô gái.
Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể phải mặc trang phục truyền thống để thể hiện sự trang nghiêm trong ngày trọng đại. Khi đã hoàn tất các nghi thức tại nhà trai, đoàn rước rể sẽ về nhà gái.
Trên đường rước rể về, đoàn rước rể bị các nhóm thanh niên trêu chọc, chặn lại và chú rể phải đối đáp khéo leo, trao cho họ vòng đồng thể hiện sự hòa khí, vui vẻ. Theo quan niệm, trên đường rước rể về gặp nhiều thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân bền chặt, hạnh phúc, làm ăn giàu sang, sinh đẻ con cái thuận lợi.
Rước rể về đến nhà, già làng sẽ thay mặt hai họ giới thiệu ông cậu, bố, mẹ, các chị em nhà trai, nhà gái và họ hàng hai bên. Ông cậu thay mặt nhà gái nói chuyện nhắc lại các khoản thách cưới, món nào đã đưa đủ, món nào còn thiếu thì nhà gái sẽ trả đầy đủ.
Đôi bạn trẻ trao vòng đồng cho nhau và từ đây chính thức gọi nhau là vợ chồng, nhắc nhở vợ chồng phải sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái sẽ phải bồi thường lại đầy đủ sính lễ.
Sau khi các nghi thức lễ cưới thực hiện xong, dàn chiêng nổi lên, cô dâu, chú rể cầm cần rượu cho nhau, cùng nhau ăn chung một miếng cơm, một miếng gan heo, thể hiện sự chia ngọt sẻ bùi từ nay cho đến mai sau. Gia đình họ hàng, bạn bè trao các món quà cưới cho cô dâu và chú rể. Trong đó, cha mẹ chồng tặng quà cho con trai về nhà vợ một cái mền, 1 cái xà gạc, chén bát và tặng cho chị gái cô dâu 1 cái gùi, 1 bộ váy áo thổ cẩm.
Theo bà H’Yam Bkrông ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, “Người Ê Đê quan niệm, nếu đôi vợ chồng trẻ cùng nhau thức đến 4-5 giờ hôm sau thì cuộc hôn nhân của họ sẽ kéo dài đến già. Còn nếu đi ngủ trước 12 giờ đêm thì cuộc sống hôn nhân sẽ ngắn hơn so với mong muốn”.
Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: Thông qua, hoạt động trình diễn, Ban Tổ chức mong muốn thế hệ trẻ tìm hiểu về những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, trong đó có lễ cưới hỏi. Qua đó khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp, giá trị nhân văn trong cuộc sống.