Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ phát rẫy đầu xuân của người Brâu

PV - 11:49, 17/02/2022

Trong không khí phấn khởi đầu Xuân Nhâm Dần, người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi đã tổ chức phục dựng lễ phát rẫy truyền thống. Đây là một nét văn hóa đẹp trong đời sống tinh thần của người dân tộc Brâu.

Lò rèn truyền thống của người Brâu. Ảnh: P.N
Lò rèn truyền thống của người Brâu. Ảnh: P.N

Hiện nay, cộng đồng dân tộc Brâu có gần 560 người, chủ yếu sống ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Trước đây, người Brâu sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy để trồng các loại lúa, bắp, mì, với công cụ sản xuất thô sơ như rìu, rựa và chiếc gậy chọc lỗ tra hạt. Lễ phát rẫy được người Brâu thực hiện ngay từ những ngày đầu năm mới.

Theo truyền thống, trước khi làm lễ phát rẫy, người Brâu phải tổ chức rèn dao, rựa. Sau khi rèn xong dao, rựa phục vụ cho công việc phát rẫy, người Brâu bắt đầu chọn khu đất để làm lễ. Thường là Người có uy tín trong cộng đồng sẽ dẫn dắt người dân trong làng vào khu vực phát rẫy để chia ranh giới cho các hộ gia đình.

Ông A Ưng ở thôn Đăk Mế - người trực tiếp làm lễ cúng phát rẫy cho hay: Khi cúng, chúng tôi cầu mong cho thần linh phù hộ công việc phát rẫy được thuận lợi, hạt giống gieo xuống sẽ nảy mầm, phát triển tốt và không bị chim, chuột phá hoại để mùa màng bội thu. Lễ vật để cúng cũng rất đơn giản, chủ yếu là các vật phẩm sẵn có trong gia đình, đó là một con gà, ghè rượu và ít thuốc lá sợi.

Lễ phát rẫy là hoạt động truyền thống mang tính cộng đồng của người Brâu, vì vậy, trong quá trình đàn ông phát rẫy, phụ nữ chuẩn bị cơm lam để phục vụ cho người làm, qua đó cũng thể hiện sự no đủ trong cuộc sống. Cùng với đó, họ cùng nhau chơi đàn krông pút. Đây là loại nhạc cụ gồm 2 đến 5 ống lồ ô dài ngắn không đều, đem ghép với nhau, tạo âm thanh bằng đôi bàn tay vỗ vào nhau ngoài miệng ống và hát những làn điệu dân ca với mong ước một vụ mùa bội thu - bà Nàng Nhốt ở thôn Đăk Mế, người tham gia nấu cơm lam và hát dân ca tại lễ phát rẫy cho biết.

Các hộ dân sau khi được phân chia rẫy, phát rẫy và đánh dấu xong thì lấy một ít đất tại vị trí rẫy của mình gói bằng lá mang về chòi rẫy để làm lễ cúng rẫy. Sau làm lễ cúng phát rẫy xong thì đến tầm tháng 3 bắt đầu phát rẫy và đốt, đến đầu tháng 4 khi có những cơn mưa đầu mùa thì bắt đầu gieo trồng.

Làm lễ cúng Yàng trước khi phát rẫy. Ảnh: PN
Làm lễ cúng Yàng trước khi phát rẫy. Ảnh: PN

Việc tổ chức phục dựng lại lễ phát rẫy của người Brâu nhằm mục đích giúp thế hệ trẻ hiểu được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc chứ không phải duy trì việc phát rừng làm rẫy như trước đây. Bởi những năm qua, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, người Brâu không còn phát rừng làm rẫy theo hình thức du canh du cư nữa mà đã định cư ổn định và sản xuất tập trung- bà Y Pan, già làng thôn Đăk Mế cho biết.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Brâu đã có cuộc sống ấm no và sung túc hơn. Hiện người dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế đã trồng được gần 30ha lúa nước, gần 60ha cà phê và hơn 40ha cao su. Cùng với đó, đồng bào dân tộc Brâu còn gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, hiện thôn Đăk Mế đã thành lập được 1 đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang; lưu giữ được nhiều bộ chiêng tha quý giá; 20 chị em giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống và đã thành lập 1 Tổ hợp tác khôi phục nghề làm rượu cần men lá truyền thống.

Với những nét văn hóa riêng, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Brâu đang phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng bào đang cùng chung tay, góp sức xây dựng thôn Đăk Mế trở thành điểm du lịch cộng đồng trong tương lai không xa.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.