Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ nối dây ân linh thần núi của người Pa Kô

PV - 11:26, 30/01/2023

Định kỳ 10 năm 1 lần, sau khi thu hoạch xong mùa màng, tùy theo từng dòng họ mà người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị tổ chức lễ nối dây ân linh thần núi. Đây là một lễ tục độc đáo, có từ hàng trăm năm trước, được bà con nơi đây gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Dòng họ Kray tiến hành lễ nối dây ân linh thần núi. (Ảnh: K.S)
Dòng họ Kray tiến hành lễ nối dây ân linh thần núi. (Ảnh: K.S)

Hôm ấy, sau khi chuẩn bị chu đáo các lễ vật, dòng họ Kray ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tập trung đông đủ để làm lễ nối dây ân linh thần núi, nghĩa là nối lại ân huệ giữa thần núi và các gia đình dòng họ Kray.

A Liêng tọa lạc giữa một mảnh đất rộng, khá bằng phẳng, có khung cảnh rất hữu tình. Xung quanh thôn A Liêng được bao bọc bởi 3 ngọn núi gồm: Kỗh A Liêng, Kỗh Paliing và Kỗh Plăng.

Trước thôn là dòng sông Krông Klang thơ mộng chảy qua, hằng năm bồi đắp thêm phù sa cho cây cối hai bên bờ do người dân trồng, chăm bón thêm phần tốt tươi. Kỗh Plăng-Kâr Tăng Xỗi là tên của vị thần núi có công rất lớn trong việc hộ mệnh cho dòng họ Kray cũng như các thành viên ở làng Aliêng được bình an, mạnh khỏe, no ấm, hạnh phúc.

Lễ nối ân vừa tạ ơn thần núi Kỗh Plăng, vừa cầu an cho dân làng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông Hồ Xuân Văn - Trưởng họ Kray, già làng ở A Liêng, cho biết: “Lễ nối dây ân linh thần núi nghiêng về tâm linh, là một hành xử rất tốt của dòng họ Kray nói riêng và người Pa Kô nói chung đối với thần núi, vạn vật xung quanh.

Mặc dù là lễ nối ân thần núi rồi cầu an, nhưng thông qua lễ này gợi nhớ cho lớp hậu thế thấy được những hành động, ứng xử đẹp của con người với thiên nhiên nơi mình đang sinh sống, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong cộng đồng làng bản”.

Lễ nối dây ân linh thần núi diễn ra trong 2 ngày, 1 đêm với nhiều nghi lễ. Trước hết là lễ cúng tổ tiên với lễ vật gồm: 1 con lợn cỡ 30 kg, gọi là lợn kê gối; 1 con gà trống to màu đỏ, đuôi dài, khỏe mạnh; 1 con dê đực to mới lớn (gọi là dê tạ lỗi vì 10 năm tổ chức 1 lần), 1 bát xôi lễ, 1 tấm jeng dài hơn 30 m, 1 chai rượu trắng, 1 bát nước lã, 1 cây kiếm dài, dựng 1 cây nêu ở giữa sân làng để cột vật hiến sinh (con dê) và 1 cặp axiéuq (lung liêng). Về nghi thức lễ, khi con dê được cột vào cây cột lễ, ông chủ lễ cùng các thành viên đến tập trung tại trung tâm sân làng, nơi có cây nêu đã cột dê.

Mọi người đứng quanh cây nêu cùng với các lễ vật đã được chuẩn bị, tất cả bỏ vào a điên to (mâm lễ). Sau đó là lễ cúng dê tạ lỗi, tất cả người dân trong họ và trong làng tập trung tại cây cột lễ tiến hành cúng trù. Sau khi tiến hành hạ sinh, làm thịt dê xong, tất cả mâm lễ đều được đưa lên nhà thờ lớn để mời thần của dòng họ, tổ tiên, thần người âm...

Nghi lễ thứ 2 là quan trọng nhất, đó là lễ nối dây ân linh và tạ ơn thần núi. Tất cả mọi người phải mặc đồ truyền thống mới.

Người Pa Kô bỏ nếp trong ống tre để nướng trên bếp lửa, chuẩn bị cho lễ nối dây ân linh thần núi. (Ảnh: Kăn Sương)
Người Pa Kô bỏ nếp trong ống tre để nướng trên bếp lửa, chuẩn bị cho lễ nối dây ân linh thần núi. (Ảnh: Kăn Sương)

Tham gia lễ từ già, trẻ, gái, trai ai cũng phải có mặt, mỗi người một việc. Lễ vật gồm: 1 con trâu đực màu đen to có sừng đẹp và đều, 1 con lợn to (lợn kê đầu trâu), dựng giàn cúng bằng tre tại giữa làng gần cột lễ, dựng 1 cột lễ neo trâu cúng... Ngay sau khi cúng lễ tạ lỗi bằng con dê xong, hội đồng già làng chuẩn bị cho công việc cúng lễ nối ân bằng trâu. Tất cả đồ lễ vật nói trên đều đã chuẩn bị sẵn.

Con trâu được neo ở cây nêu, ông chủ lễ đứng trước mũi con vật hiến sinh cúng gọi mời thần núi về chứng kiến lễ hội, từ đó các bước tiến hành nghi thức lễ tương tự như nghi thức cúng dê trên và cuối cùng là cúng thần không trung.

Về lễ trình báo, ông chủ lễ là người đầu tiên đến nơi cột lễ bày trầu cau, trình bày với thần núi Kỗh Paliing biết trước sự việc sẽ diễn ra trong lễ nối ân, sau đó mới được đưa trâu vào cột lễ.

Tất cả mọi người cùng nhảy múa, ca hát 1 ngày 1 đêm, đến sáng hôm sau mới tiến hành làm lễ hiến sinh. Nghi thức hiến sinh trâu tương tự như lễ hiến sinh dê nhưng quy mô lớn hơn, đồ lễ vật lớn hơn, người tham gia đông hơn.

Cuối cùng là lễ cầu an bằng 1 con dê, nghi thức lễ tương tự như trên. Sau khi hoàn tất các khâu lễ, thịt trâu, thịt dê được chia cho các dòng họ khác trong thôn.

Các gia đình trong dòng họ Kray tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, nhà góp con gà, làm cơm nếp ống tre, cá ống tre đem đến chung vui với lễ, cùng nhau ăn uống, nhảy múa, hát ca. Người Pa Kô quan niệm rằng, việc tổ chức lễ nối dây ân linh thần núi nhằm giáo dục cho lớp trẻ về đạo đức sống và biết ơn công lao của cha ông trong việc bảo tồn văn hóa ứng xử giữa người với người, giữa người với thế giới xung quanh.

Nghi lễ chính trong lễ nối dây ân linh thần núi. (Ảnh: Kăn Sương)
Nghi lễ chính trong lễ nối dây ân linh thần núi. (Ảnh: Kăn Sương)

Anh Kray Hùng - người dân thôn A Liêng, xã Tà Rụt, cho biết: “Tôi rất vui vì được cùng mọi người trong dòng họ tham gia lễ. Đây là một lễ tục đẹp mà lớp trẻ chúng tôi cần phải học hỏi và phát huy”.

Lễ nối dây ân linh thần núi là dịp để các cộng đồng dân cư trong làng có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức cho biết: “Đây là lễ tục rất quan trọng và có ý nghĩa trong đời sống của người Pa Kô. Lễ hội toát lên tinh thần lành mạnh, giúp thế hệ trẻ và tất cả mọi người biết được ân nghĩa của con người đối với đồi núi, với thiên nhiên.

Nhờ thần núi chở che mà người dân A Liêng sinh con đẻ cái, có cuộc sống bình an đến ngày hôm nay. Thông qua những lễ tục này, các thế hệ trong dòng họ biết được những việc làm tốt đẹp của ông cha, nghĩa cử cao đẹp giữa thần núi và đời sống con người ở thôn A Liêng, cùng chung tay bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc”.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, người Pa Kô ở dãy Trường Sơn hùng vĩ luôn gìn giữ, phát huy nét độc đáo của lễ nối dây ân linh thần núi trường tồn theo năm tháng.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.