Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam. Lễ hội có nguồn gốc từ lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển. Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng dân gian và đền thờ Cá Ông ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Theo truyền thuyết, cá Ông (một loài cá Voi) được xem là loài cá linh thiêng, giúp đỡ ngư dân trong lúc ra biển, gặp cơn sóng to, gió lớn hay trong mưa bão. Đây là điểm tựa về mặt tinh thần của nhiều thế hệ ngư dân khi lênh đênh trên mặt biển. Cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho cá Ông là Nam Hải Đại Tướng quân, đây là danh hiệu chính thức được triều đình nhà Nguyễn công nhận, nên hầu hết các địa phương trên cả nước đều lập nơi thờ phụng cá Ông để tỏ lòng thành kính...
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trong 3 ngày: 14, 15 và 16 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 15 là ngày lễ chính, bắt đầu từ 14 giờ.
Chủ lễ là các cụ già trong trang phục khăn đóng, áo dài, quần trắng cùng Ban Trị sự trong lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu.
Lễ đón rước Nghinh Ông được tiến hành theo nghi thức đại lễ với đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí (kích, kiếm, bát xát mâu), đoàn múa mâm mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài tứ chính điện ra tới ngoài sân.
Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc.
Trước đó, hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa, neo đâu trật tự, xếp theo hành lối dưới bến sông. Tiếp đến, chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên tàu. Tàu chủ là chiếc tàu lớn (hoặc ba chiếc tàu) được bầu chọn đi Nghinh Ông.
Nếu gặp Ông phun nước (Ông “dội”) thì rước Ông về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi và sau đó chủ lễ vái đọc lời nguyện cầu. Thường thì cách đất liền một, hai hải lý, chủ lễ sẽ làm lễ “xin keo”. Xin được keo tức là đã gặp Ông và rước Ông về. Tại Lăng sẽ tiếp tục diễn ra các nghi lễ, cúng bái đến tận khuya.
Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc là lễ hội cầu ngư của cư dân vùng biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân may mắn làm ăn phát đạt, ngư dân ra khơi đánh bắt an toàn, bội thu… Lễ hội được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính và nhộn nhịp, thu hút đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và các vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ.