Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ "Ét đông" của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

PV - 11:00, 01/06/2021

Ngày 31-5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định công nhận 10 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ "Ét đông" (Tết ăn con dúi) của nhóm Giơ Lâng (Ba Na).

Già làng chuẩn bị làm lễ “Ét đông” tại nhà Rông. Ảnh: CTV
Già làng chuẩn bị làm lễ “Ét đông” tại nhà Rông. Ảnh: CTV

Nhóm Giơ Lâng là một nhánh của người Ba Na sống tập trung chủ yếu ở xã Tân Lập và xã Đăk T’Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Lễ Et Đông (Tết ăn con dúi) là một trong những lễ hội đặc sắc của họ.

Đối với người Giơ Lâng, con dúi là con vật được nhóm người Giơ Lâng Ba Na tôn kính và thờ Thần Dúi, xem Dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng và ấm no.

Lễ "Ét đông" thường được tổ chức vào 2 ngày đầu tháng Mười dương lịch hàng năm, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, ngậm hạt. Lễ hội để cầu mong một năm thu hoạch mùa màng thuận lợi, người dân trong buôn được ấm no, hạnh phúc, cũng là dịp để tổ tiên, ông, bà về thăm con cháu. Lễ hội cũng là dịp gắn kết tình cảm của cả cộng đồng làng.

Sau khi ngày lễ “Ét đông” được già làng ấn định, mỗi gia đình khi đi rừng hay lên nương rẫy đều chú ý tìm cho được ít nhất là một con dúi, mang về làm sạch ruột, ướp muối, luộc chín rồi treo lên giàn bếp để dành. Đồng thời họ cũng chuẩn bị một ghè rượu thật ngon. Đây là hai lễ vật bắt buộc, không thể thiếu để dâng lên Yàng trong ngày lễ.

Mặc dù lễ “Ét đông” chỉ diễn ra có hai ngày hai đêm nhưng mọi gia đình đều khẩn trương chuẩn bị công phu từ nhiều ngày trước đó. Một số trai trẻ được già làng phân công vào rừng chặt le về làm cây nêu trước nhà Rông và dựng ở cổng làng để đón chào khách.

Con dúi sau khi luộc chín, được cắm vào một que tre nhọn, từ đầu đến đuôi được trang trí bằng những hạt cườm đủ màu sắc và bằng những vật liệu cách điệu, tượng trưng cho nền sản xuất nông nghiệp, nương rẫy. Trên đầu que được cột một ngọn đèn làm từ sáp ong. Trên cây que còn có biểu tượng của cây cung để xua đuổi những điều không may mắn, một ít bông gòn để cầu mong sự phồn thịnh cho gia chủ.

Điểm đặc biệt của những cây nêu trong ngày lễ “Ét đông” là biểu tượng của bông lúa được những nghệ nhân thể hiện hết sức sinh động. Họ dùng dao nạo lớp vỏ của cây le tạo thành những sợi dài tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của cây lúa, loại thức ăn nuôi sống con người từ bao đời nay. Bên cạnh đó, họ cũng chuẩn bị một cây cỏ tranh bỏ vào ống tre, một ít lá chuối tươi và một ghè rượu ngon nhất, đựng trong chiếc ghè quý nhất.

Trước khi được tổ chức tại nhà Rông, từ tinh mơ, các gia đình tự tổ chức cúng Tết “Ét đông” tại gia đình của mình.

Thực hiện nghi thức đốt lửa cầu mong mùa màng bội thu ở vị trí trung tâm nhà Rông. Ảnh: CTV
Thực hiện nghi thức đốt lửa cầu mong mùa màng bội thu ở vị trí trung tâm nhà Rông. Ảnh: CTV

Khi bắt đầu mặt trời mọc, già làng ra nhà rông đánh một hồi trống báo hiệu cho dân làng biết đã đến giờ hành lễ.

Già làng là người đến sớm nhất, ché rượu của già làng được đặt ở chính giữa nhà rông. Sau đó các hộ trong làng cứ theo thứ tự đã quy định, buộc xen kẽ phần lễ của mình vào những cây cột được bố trí thành một hàng dài chính giữa nhà rông.

Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ, già làng lại đánh lên một hồi trống dài báo hiệu lễ hội bắt đầu.

“Ét đông” là một trong những lễ hội quan trong đối với người Giơ Lâng Ba Na ở Tây Nguyên. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chỉ sau khi tổ chức lễ “Ét Đông”, người Ba Na Jơ Lưng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, như làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.