Rút ngắn nội dung Lễ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch
Sau nới lỏng giãn cách, các phum sóc ở khu vực Tây Nam bộ nhộn nhịp trở lại. Đặc biệt, đồng bào Phật tử chuẩn bị cho Lễ dâng y Kathina. Năm nay, Lễ Dâng y được tổ chức từ 22/10 - 19/11 dương lịch. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh, nên các chùa không tổ chức lễ hội, phần lễ sẽ được rút ngắn trong một buổi để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Dù không thể tổ chức long trọng như mọi năm, nhưng các phật tử vẫn chuẩn bị đủ lễ dâng lên cúng dường. Vật phẩm là những vật dụng hàng ngày, nhưng không thể thiếu chiếc áo cà sa. Bởi sau 3 tháng nhập hạ, theo giáo luật các vị chư tăng không được ra khỏi nơi an tự, phải tập trung tu học, nên các vật dụng đã không còn, chiếc áo cà sa cũng phai màu cần thay mới.
Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất khu vực Tây Nam bộ. Mỗi năm đến mùa Lễ dâng y Kathina, các chùa đều tổ chức long trọng và trang nghiêm, trong không khí náo nhiệt, rực rỡ sắc màu với các trò chơi dân gian, các nhạc cụ dân tộc rộn ràng thanh âm.
Mọi người đều rủ nhau lên chùa tham gia lễ dâng y, cầu xin cho gia đình yên ấm, đón phước lành. Nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong cộng đồng còn xuất hiện nhiều ổ dịch, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi các chùa tổ chức lễ theo cấp độ nguy cơ của từng vùng.
Hòa Thượng Tăng Nô, Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đối với những địa phương ở mức độ thuộc vùng đỏ, vùng cam, trụ trì, Ban quản trị, Achar không được phân công các vị sư tham gia tụng kinh, thuyết pháp tại gia đình phật tử.
Còn việc tổ chức lễ Dâng y thực hiện theo nghi thức tăng sự, do trụ trì và các tỳ khưu tự thực hiện, có sự tham gia của 2 - 3 vị Achar để làm lễ. Ở các địa phương thuộc vùng vàng và vùng xanh sẽ tổ chức lễ không quá 20 người. Các chùa và thí chủ Kathina không mời thêm họ hàng, không tổ chức diễu hành, chỉ đến chùa làm lễ dâng vật phẩm xong rồi về. Đồng thời, mỗi chùa phải chủ động thông báo đến chính quyền địa phương thời gian thực hiện lễ, không tổ chức phần hội để bảo đảm công tác phòng, chống dịch”.
Còn tại TP. Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng, Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thành phố, Phó trưởng ban Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ cho biết: do tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế, nên các chùa tổ chức xoay vòng, không tập trung làm lễ và hội lớn như mọi năm. Các chùa sẽ ấn định một ngày cụ thể, rồi thông báo cho phật tử ngày làm lễ. Các nghi thức sẽ tiến hành rút gọn trong một buổi sáng, không tổ chức phần hội. Các phật tử tham gia sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Chuẩn bị chu đáo, phật tử hoan hỷ
Bà Bành Ngọc Phương, phật tử chùa Pitu Khôsa Răngsây (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) cho biết: Chúng tôi sẽ chia nhau đến chùa từng nhóm, tránh tụ tập thành đoàn đông. Dù tổ chức lễ với hình thức nào, tôi cũng rất vui, khi được tham gia một nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, giúp cho tôi biết trân quí sự cho đi, được thể hiện qua vật phẩm, để có cơ hội đóng góp, chia sẻ với người nhận dù bất cứ nơi nào, chứ không chỉ gói gọn trong nghi lễ tại chùa.
Trong những năm gần đây lễ Dâng y Kathina của đồng bào Khmer được tổ chức chu đáo và long trọng hơn; Các vật phẩm cúng dường về vật chất so với trước đây cũng khá hơn, điều đó có nghĩa đời sống của đồng bào, phật tử ngày càng khấm khá.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (ngụ quận Ninh Kiều), là phật tử được tham gia thực hiện nghi lễ tại chùa Pitu Khôsa Răngsây vui mừng chia sẻ: Được tổ chức lễ Kathina là ước nguyện cả đời tôi. Đó cũng là ước nguyện của các gia đình dân tộc Khmer. Vì trong đời, mỗi người chỉ được làm 1 lần, nên tôi rất hoan hỷ và mong muốn mọi việc diễn ra chu đáo, thuận lợi...
"Dù không thể tổ chức lớn cùng họ hàng, nhưng mọi thứ điều được chuẩn bị chỉnh chu, tỉ mỉ và đầy đủ vật phẩm để dâng lên cho các vị sư, thể hiện sự thành tâm của người dâng, thì người nhận cũng thấy mình được kính trọng” bà Linh chia sẻ.
Lễ dâng y Kathina là nghi lễ quan trọng gắn liền với tín ngưỡng Phật giáo Nam tông, mang thông điệp về sự chia sẻ trong “cho” và “nhận” trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Sự cho đi ở đây, không phải là bố thí, mà là tấm lòng hướng thiện của phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, đồng lòng cùng các chư tăng gắn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp tại các phum sóc. Đây cũng là dịp, các phật tử cùng nhau thực hiện các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội vừa tạo không khí vui tươi, đoàn kết giữa các phum, sóc với nhau.