Khi tiến hành cúng Việc lề, nhiều dòng họ còn kết hợp cúng đất, cúng cô hồn (cúng thí thực), cúng ông bà tổ tiên nhằm cầu mong ông bà phù hộ cho con cháu tránh được tai ương, dịch bệnh.
Cúng Việc lề được tổ chức riêng trong từng dòng họ, do trưởng họ hoặc trưởng trong từng nhánh của dòng họ luân phiên cúng hằng năm. Theo lệ của từng dòng họ, ngày cúng có thể là ngày giỗ hội, ngày mất của vị thủy tổ, ngày cúng đất, cúng cầu an dòng họ… Thời điểm tiến hành lễ cúng thường vào tháng Chạp hoặc tháng Giêng.
Đồ cúng đều là những món ăn mộc mạc, đơn sơ, phản ánh hoàn cảnh sống thiếu thốn, như cá lóc nướng trui, cháo ám, cá để nguyên vảy, không chặt bỏ kỳ, vi, đuôi (vì không có dao); rau ráng luộc (rau mọc dại ven sông), mắm sống, cốm nổ rang… Đồ cúng chỉ dọn trên đệm bằng hoặc chiếu trải ngoài sân.
Khi gia tộc chuẩn bị xong lễ vật cúng, chủ tế khấn báo tổ tiên, sau đó theo thứ bậc trong gia tộc, từng người đến cúi lạy. Nhang tàn, chủ tế hóa vàng, rải gạo muối và thả ghe kết bằng bẹ chuối với các lễ vật đã cúng tổ tiên và chúa Ngung Man Nương (chủ đất) tượng trưng cho lương thực để tiễn đưa tổ tiên. Sau cùng là bữa ăn của dòng họ với những câu chuyện buồn vui được truyền lại từ thời cha ông đi khai phá.
Tại tỉnh Long An, nghi lễ này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
SÔNG LAM