Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Lào Cai: Tăng cường phòng, chống rét cho học sinh vùng cao

Trọng Bảo - 10:56, 27/12/2022

Những ngày gần đây, nhiệt độ ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuống thấp. Công tác phòng, chống rét cho học sinh là nhiệm vụ được ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Qua đó, góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò các nhà trường.

Giáo viên các trường luôn nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm để bảo đảm sức khỏe
Giáo viên các trường luôn nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm để bảo đảm sức khỏe

Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, mùa Đông đến muộn hơn, nhưng ngay trong đợt rét đầu tiên, nhiệt độ đã xuống rất thấp. Công tác giữ ấm, đảm bảo sức khỏe cho học sinh đã được các nhà trường chủ động thực hiện.

Mặc dù đã được dự báo trước, nhưng mùa Đông vẫn đến với cô trò vùng cao Điểm trường Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa khá bất ngờ. Chỉ sau một ngày, nền nhiệt độ đã giảm sâu, sương mù và mưa phùn khiến cho cái lạnh như “cắt da cắt thịt”. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, các cửa lớp luôn được đóng kín, cùng với đó nhà trường tăng cường các đèn sưởi để giữ ấm cho học sinh.

“Chúng tôi cũng tổ chức cho các cháu ăn ở trong lớp để bảo đảm giữ ấm cho các con vì thời tiết ngoài trời rất lạnh. Vì là điểm trường nên không có cấp dưỡng hàng ngày các phụ huynh thay phiên nhau đến nấu ăn cho các cháu. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thức ăn nóng sốt cho các cháu cũng được nhà trường quan tâm, nhắc nhở thường xuyên”, cô giáo Hoàng Thị Kim Dung - Phụ trách điểm trường Can Hồ B cho biết thêm.

Các trường học vùng cao đều bố trí đèn sưởi tại các phòng học
Các trường học vùng cao đều bố trí đèn sưởi tại các phòng học

Là tỉnh vùng cao có nền nhiệt thấp nhất khu vực Tây Bắc, ngay từ khi năm học mới bắt đầu, các trường học trên địa bàn Lào Cai đã chủ động triển khai các biện pháp tránh rét cho học sinh. Các trường đều có nước nóng để phục vụ cho học sinh; khu vực phòng ở bán trú có chăn, đệm đầy đủ và các bữa ăn bán trú cũng được quan tâm nhiều hơn. Các thầy cô cũng thường xuyên liên lạc hoặc tới tận nhà học sinh để nắm bắt tình hình; vừa động viên các em, vừa tuyên truyền cho phụ huynh các biện pháp chăm sóc trẻ khi thời tiết thay đổi.

“Chúng tôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, nếu trời trở lạnh là nhà trường bố trí đèn sưởi, chăn bông ngay. Cùng với đó, giáo viên phụ trách các lớp nhắc nhở các con mặc đủ ấm khi đến lớp. Nhờ đó, trong những ngày qua dù nhiệt độ xuống thấp những các em học sinh trong trường vẫn bảo đảm sức khỏe và đi học đầy đủ”, cô Nguyễn Thị Mai Hương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS số 2 Tả Phời, Tp. Lào Cai cho biết.

Tăng cường chăn ấm tại phòng ngủ bán trú
Tăng cường chăn ấm tại phòng ngủ bán trú

Theo quy định, khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C thì các trường cân nhắc cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, nhiều huyện vùng cao ở Lào Cai vào mùa Đông nhiệt độ thường xuyên ở dưới 10 độ C, nếu cho học sinh nghỉ học thì sẽ rất khó thực hiện kế hoạch giảng dạy và học tập. Chính vì vậy, việc chủ động các phương án phòng, chống rét cho học sinh là điều kiện tiên quyết để các trường duy trì việc dạy và học.

“Bước vào mùa rét, nền nhiệt ở Sa Pa thường dao động từ 4 - 8 độ và kéo dài nửa tháng, nếu mà thực hiện nghỉ theo quy định, thì chúng tôi không bảo đảm chương trình. Thực tế thời gian qua, tại Sa Pa, khi mà nền nhiệt xuống thấp, Phòng Giáo dục vẫn chỉ đạo các trưởng bảo đảm tỷ lệ chuyên cần. Cùng với đó, chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ thêm chăn và áo ấm cho học sinh”, ông Nguyễn Trường Chinh - Trường Phòng Giáo dục thị xã Sa Pa nhấn mạnh.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cơ sở trường lớp học, hệ thống nhà bán trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được đầu tư tương đối khang trang. Nhờ đó, các trường cũng có thêm điều kiện để giữ ấm cho các em học sinh, từ đó duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần và bảo đảm các hoạt động giáo dục trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.