Năm học 2024-2025, quy mô, mạng lưới trường lớp học trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục được củng cố, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Đặc biệt, để bảo đảm cơ sở vật chất theo Thông tư số 13 ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; toàn tỉnh cần đầu tư bổ sung 1.926 phòng học, phòng học bộ môn; 52 nhà hiệu bộ, phòng chức năng; 26 nhà văn hóa dân tộc; 27 nhà kho; 1.186 phòng ở học sinh bán trú, phòng ở công vụ giáo viên có nhà vệ sinh khép kín; 77 nhà ăn, nhà bếp; 65 công trình vệ sinh riêng lẻ; 21 nhà đa năng. UBND tỉnh đã ưu tiên nhiều nguồn lực (3.452,56 tỷ đồng, với 255 danh mục công trình) để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết: Đầu từ cơ sở trường lớp học đáp ứng nhu cầu dạy và học nhưng cũng bảo đảm phù hợp với việc phân bố dân cư, quy hoạch phát triển của tỉnh. Ngành Giáo dục Lào Cai đã rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo hướng tập trung về trường chính, giảm các điểm trường lẻ. Vì vậy, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Lào Cai còn 598 trường, giảm 12 trường so với năm học trước. Mặc dù vậy, số học sinh lại tăng hơn 3.300 em so với năm học trước, nên số lớp học cũng tăng lên 93 lớp. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành nòng cốt giáo dục vùng cao, vùng DTTS.
"Đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 157/255 công trình (đạt 61,57% kế hoạch) với 1.053 phòng học, phòng học bộ môn; 24 nhà hiệu bộ, nhà chức năng; 15 nhà văn hóa dân tộc; 6 nhà kho; 567 phòng ở công vụ giáo viên và phòng ở học sinh bán trú; 7 nhà bếp và nhà ăn; 34 công trình vệ sinh; 5 nhà đa năng”, bà Dương Bích Nguyệt cho biết thêm.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, với mục tiêu lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo, năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục Lào Cai quyết tâm thực hiện chủ đề năm học: “Vì học sinh thân yêu; xây dựng trường học kỷ cương - trách nhiệm - hạnh phúc; đổi mới và hội nhập”; toàn ngành tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực đột phá.
Trong đó, tập trung quy hoạch mạng lưới trường, lớp học theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tăng cường đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trường trọng điểm chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai là một trong những tỉnh có chất lượng giáo dục vùng cao đứng tốp đầu cả nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động đổi mới giáo dục; nâng cao chất lượng mô hình trường học gắn với thực tiễn, trường phổ thông dân tộc bán trú gắn với giáo dục hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; các mô hình giáo dục STEM, dạy học song ngữ... trong các cơ sở giáo dục có điều kiện.
Với những kết quả đã đạt được cùng sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tin rằng năm học 2024-2025 ngành Giáo dục Lào Cai sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu cao hơn nữa, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng, của cả nước nói chung.
Đến hết tháng 5/2024, tỉnh Lào Cai có 134/152 xã và 4/9 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Toàn tỉnh hiện có 403 trường đạt chuẩn, đạt 67,2%.
Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, có 63/99 thí sinh đoạt giải, đạt 63,63%; thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, đoạt 2/2 giải (1 giải Nhì và 1 giải Ba). Đặc biệt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Lào Cai đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; duy trì vị trí thứ nhất trong khối thi đua 7 tỉnh miền núi phía Bắc.