Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Hàng chục hộ đồng bào dân tộc Giáy khốn khổ vì ở trên đất quy hoạch

Trọng Bảo - 09:46, 25/11/2021

Khu tam giác cây xanh, thuộc tổ 12, phường Nam Cường, TP. Lào Cai (Lào Cai) được quy hoạch tổng thể từ năm 2002. Vậy nhưng, sau gần 20 năm, với 3 lần điều chỉnh, các dự án nằm trong khu vực này vẫn chưa được triển khai. Và cũng từng đấy thời gian, hơn 70 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Giáy, sống trên đất quy hoạch không thể an cư, bởi không thể làm gì trên mảnh đất của chính mình.

Hầu hết nhà ở của các hộ dân đều đã xuống cấp nghiêm trọng do được xây dựng nhiều năm nay
Hầu hết nhà ở của các hộ dân đều đã xuống cấp nghiêm trọng do được xây dựng nhiều năm nay

“Mỏi mắt” chờ dự án triển khai

Ngôi nhà gỗ 3 gian của gia đình bà Lương Thị Chao làm cách đây đã gần… 36 năm. Tường lở, cột kèo mục ruỗng, mái nhà dột nát; tuy nhiên, ngôi nhà vẫn đang ngày đêm gồng mình chống chọi với thời gian để che mưa, che nắng cho 7 thành viên trong gia đình mỗi khi có mưa bão. Dù 3 người con đã xây dựng gia đình, nhưng bà Chao cũng không thể làm thủ tục tách thửa để cho các con ra ở riêng.

“Sợ nhất những đêm mưa to gió lớn, cả nhà không ai dám chợp mắt vì chỉ lo ngôi nhà có thể bị gió quật đổ bất cứ lúc nào. Gia đình cũng nhiều lần đề nghị lên tổ, lên phường được sửa nhà nhưng không được, vì là đất đang nằm trong dự án”, bà Chao tâm sự.

Cám cảnh hơn là gia đình vợ chồng cụ Nguyễn Văn Chắt. Ở tuổi 85, nhưng hai cụ vẫn phải hàng ngày ở nhà thuê, vì ngôi nhà của hai cụ đã quá cũ nát, không thể ở được.

“Khổ quá mà không biết kêu ai bây giờ, bán không bán được, làm nhà không được làm. Nói không phải chứ, giờ mà tôi nằm xuống thì chẳng có chỗ để làm ma…”, cụ Chắt buồn bã.

Không chỉ khó khăn về nhà ở, người dân ở tổ 12 này, còn khổ sở cả về môi trường sống. Khu vực này không được đầu tư hệ thống đường điện, đường nước sạch bảo đảm vệ sinh. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống dân sinh vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Trọng Điểm, Tổ trưởng tổ dân phố 12 cho biết: Tổ 12 có đến 70% bà con dân tộc Giáy sinh sống. Khu vực này chỉ cách trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai chừng 100m, nên có thể xem là vị trí rất đắc địa. Khi Nhà nước thông báo thu hồi đất của người dân để quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi, bà con sẵn sàng ủng hộ.

“Chúng tôi đã rất nhiều lần đề nghị lên phường, thành phố, nhưng chờ mãi chả thấy động tĩnh gì. Không biết bà con Nhân dân còn phải chờ đợi đến bao giờ, để được Nhà nước quy hoạch và người dân được dựng nhà dựng cửa, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Trọng Điểm, Tổ trưởng tổ dân phố 12 cho biết.

Khu vực này cũng không được đầu tư điện, nước và điều kiện môi trường sống rất kém
Khu vực này cũng không được đầu tư điện, nước và điều kiện môi trường sống rất kém

Người dân còn phải chờ đến bao giờ?

Khu đất thuộc tổ 12 được đưa vào quy hoạch từ năm 2002; đến năm 2017 được điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 256 của UBND tỉnh Lào Cai. Theo đó, toàn bộ diện tích rộng hơn 1 ha sẽ được cắt một phần để xây chợ Nam Cường, một phần làm khuôn viên cây xanh, phần còn lại làm hạ tầng và sắp xếp tái định cư tại chỗ cho một số hộ dân. Đến tháng 10/2019, một phần của quy hoạch này, là sắp xếp tái định cư tại chỗ cho 43 hộ dân và làm hạ tầng được phê duyệt đầu tư theo Quyết định số 3666 của UBND tỉnh Lào Cai. Vậy nhưng, từ đó đến nay, dự án vẫn “bất động”.

“Chúng tôi đã nhận rất nhiều ý kiến kiến nghị của bà con, phường cũng đã có ý kiến nhiều lần lên thành phố. Gần 20 năm, con em các hộ gia đình sinh sống, lấy vợ sinh con, phát triển kinh tế, nhưng bây giờ trong vùng quy hoạch không thể làm gì được. Nhà ở thì sập xệ, mỗi lần mưa gió cấp ủy, chính quyền phường cũng lo lắm, chỉ sợ mưa to gió lớn xảy ra bất trắc…”, ông Nguyễn Kim Trọng, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Cường cho biết thêm.

Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu đất khu vực tổ 12 phường Nam Cường vẫn đang nằm trên giấy
Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu đất khu vực tổ 12 phường Nam Cường vẫn đang nằm trên giấy

Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng cơ bản TP. Lào Cai, thực tế khu vực tổ 12 đã quy hoạch xong. Bà con Nhân dân ở đây từ rất nhiều năm nay, và mong muốn xây dựng, sửa chữa nhà cửa là chính đáng.

“Hầu hết bà con đều mong muốn được tái định cư tại chỗ, vì đây là mảnh đất gắn bó nhiều năm nay. Chúng tôi cũng mong muốn triển khai dự án để góp phần xây dựng thành phố sạch đẹp. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là, dự án đã phê duyệt xong, nhưng tỉnh chưa bố trí vốn, nên chúng tôi chưa triển khai được”, ông Phạm Khắc Phương, Phó Trưởng Ban Quản lý Đầu tư xây dựng cơ bản TP. Lào Cai phân trần.

Cũng theo quy hoạch chi tiết được điều chỉnh, thì một phần đất khu vực tổ 12 sẽ dành xây chợ Nam Cường để di dời các tiểu thương hiện đang kinh doanh tại chợ tạm B6. Vậy nhưng, do dự án này vẫn chưa được thực hiện, nên nhiều tiểu thương đang như ngồi trên “lửa”, vì khu chợ tạm này sắp phải di dời để trả lại mặt bằng cho doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, việc quy hoạch xây dựng là việc không thể thiếu trong xu thế phát triển chung của mỗi địa phương. Trong quá trình triển khai các dự án, sự ủng hộ và đồng thuận của người dân có vai trò quyết định. 

Tuy nhiên, khi người dân đã đồng thuận, chấp nhận mất đất sản xuất, hay phải dời bỏ mảnh đất đã sinh sống bao đời để nhường đất cho các dự án, công trình, thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện lời hứa của mình. Tránh tình trạng quy hoạch “trên giấy”, còn người dân thì lâm vào cảnh “đi chẳng được, ở chẳng xong”.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.