Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Chủ động, linh hoạt quyết tâm hoàn thành giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG

Trọng Bảo - 19:44, 20/10/2022

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu và yếu. Mặc dù vùng đồng bào DTTS đã nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ nhiều chương trình, chính sách dân tộc, nhưng điều kiện môi trường, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi 2021-2030 (gọi tắt là CTMTQG) trên tất cả các lĩnh vực, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung hoàn thiện thủ tục giải ngân nguồn vốn với mục tiêu đạt 100% kế hoạch giao năm 2022.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK
Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK

Chạy đua với thời gian hoàn thành kế hoạch giải ngân

Năm 2022, huyện Bát Xát được phân bổ hơn 83 tỷ đồng từ CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là hơn 66 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 17,1 tỷ đồng. Để bảo đảm giảI ngân nguồn vốn theo đúng kế hoạch gia, huyện Bát Xát đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ; các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, ban, ngành trung ương; các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Cùng với đó, các cơ quan, ban ngành đoàn thể, các xã trong huyện đã chủ động, tích cực thực hiện các nội dung thuộc dự án, tiểu dự án thành phần; thường xuyên rà soát các nội dung và báo cáo kịp thời tiến độ triển khai cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai tại cơ sở.

Ông Lục Như Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bát Xát cho biết: Đối với phòng Nông nghiệp huyện, danh mục dự án đề xuất đầu tư thực hiện theo CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 08 dự án với tổng mức đầu tư là gần 30 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 sẽ triển khai 03 dự án với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng.

“Hiện nay chúng tôi cũng đang gặp những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai. Ví dụ như, chưa có hướng dẫn về việc quay vòng vốn đối với các dự án hỗ trợ cộng đồng; chưa có văn bản quy định về định mức hỗ trợ, hướng dẫn nội dung trình tự thực hiện dự án nên chưa có cơ sở tổ chức thẩm định các dự án. Trong định hướng về hỗ trợ phát triển sản xuất hiện nay, một số cây trồng sắp hết thời vụ trồng như cây chè… Nên trong năm 2022 không thể thực hiện được mà chỉ tập trung vào một số danh mục dự án tại một số xã nhất định..”, ông Trung phân tích.

Khó khăn là vậy, nhưng với mục tiêu giải ngân 100% nguồn vốn của năm 2022, ngành nông nghiệp huyện đã có nhiều giải pháp tích cực như: Tập trung hướng dẫn cho các chủ trì liên kết, cộng đồng dân cư…về các bước thực hiện dự án. Bám sát tiến độ triển khai từng nội dung của dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; chủ động tỷ lệ vốn đối ứng và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng…

Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn vùng cao là một trong những mục tiêu mà CTMTQG hướng đến
Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn vùng cao là một trong những mục tiêu mà CTMTQG hướng đến

Ban quan lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Bát Xát được giao làm chủ đầu tư 18 công trình từ nguồn vốn CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, với tổng mức đầu tư 403 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2022 dự kiến khởi công 11 công trình và hoàn thành vào năm 2024; các công trình còn lại sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.

“Để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án chúng tôi huy động cán bộ, viên chức trong đơn vị tập trung tối đa thời gian, kết cả phải làm đêm để hoàn thành các thủ tục theo quy định đối với các công trình xây dựng cơ bản. Phấn đấu trước ngày 31/12/2022 sẽ khởi công toàn bộ 11 công trình theo kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Việt Tiến, Phó Giám đốc Ban quan lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Bát Xát khẳng định.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn tỉnh Lào Cai dự kiến huy động để thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, là hơn 5.640 tỷ đồng. Riêng năm 2022, kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình là hơn 721 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương giao hơn 382 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là hơn 181 tỷ.

Để bảo đảm giải ngân theo Công điện số 698/CĐ-TTg ngày 04/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiên độ giải ngân vốn CTMTQG, cũng như đôn đốc các cơ quan đơn vị phân bổ chi tiết kế hoạch vốn và ban hành hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, đến nay, UBND tỉnh Lào Cai đã giao xong đến 01 cơ quan cấp tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố. Dự kiến số dự án được bố trí vốn thực hiện năm 2022, là 401 danh mục. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung việc hoàn thiện thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án để phân bổ chi tiết vốn các dự án khởi công mới năm 2022. 

Tính đến ngày 10/10/2022, số dự án đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư để phân bổ vốn chi tiết là 220/401 danh mục, bằng 54,8% kế hoạch. Các dự án còn lại, UBND tỉnh chỉ đạo phải được hoàn thiện xong công tác chuẩn bị đầu tư để phân bổ vốn chi tiết trong tháng 10/2022. Vốn đã giải ngân được 3.281 triệu đồng/ 382.187 triệu đồng, chiếm 0,85% KH (vốn giải ngân của 01 dự án thực hiện chuyển tiếp từ giai đoạn trước). Ước giải ngân đến 31/01/2023 đạt 100% kế hoạch đối với nguồn vốn đầu tư phát triển.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, đến nay cơ bản UBND tỉnh Lào Cai đã giao kinh phí cho cho các huyện, thị xã, thành phố và một số cơ quan cấp tỉnh. Hiện tại, các chủ đầu tư đang lập, thẩm định, trình phê duyệt dự toán chi tiết các dự án, nội dung chi. 

Tuy nhiên, đối với nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022 rất khó khăn về thời hạn giải ngân theo kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là, phải chờ công tác rà soát quy hoạch dân cư, sử dụng đất đai mất nhiều thời gian để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; phải chờ có nhà đầu tư, chủ liên kết chuỗi, chủ mô hình đăng ký thực hiện dự án, nên việc chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án chính quyền địa phương không chủ động được khi chưa có nhà đầu tư đăng ký…

CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc
CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Lào Cai ngày 16/10 mới đây, để nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn xây dựng cơ bản và kết quả triển khai thực hiện các CTMTQG, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai đã lưu ý, UBND tỉnh, các cấp, ngành cần đánh giá rõ nguyên nhân vướng mắc để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tiến độ giải ngân vốn. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu. Đối với cấp huyện, hằng tuần phải tổ chức giao ban với nội dung về giải ngân vốn đầu tư và thực hiện chế độ báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy về tiến độ giải ngân.

“Cần phải chủ động, linh hoạt hơn nữa, quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022. Tiếp tục rà soát, phân bổ, bố trí giao hết các nguồn vốn vào những danh mục có thể giải ngân ngay. Hoàn tất thủ tục, bảo đảm điều kiện để giao vốn đối với những danh mục chưa giao. Kiên quyết không để vuột mất cơ hội sử dụng các nguồn vốn…”, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh./.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.