Chia sẻ về một thời gian khổ của Vĩnh Sơn, ông Vàng Seo Pao, nguyên Trưởng thôn Vĩnh Sơn cho biết, cộng đồng người Mông nơi đây vốn xuất phát từ các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) đến xã Vĩnh Phúc năm 1977, sau đó được các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho định cư tại thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc. Đến tháng 12/1998, thôn Vĩnh Sơn được thành lập.
Những ngày đầu thành lập, Vĩnh Sơn chưa có điện nên cuộc sống luôn chìm trong bóng tối và đói nghèo. Vì thế, suốt những năm 2000 - 2001, ông Pao thường xuyên đi bộ xuống UBND tỉnh xin kéo điện về làng. Trước sự kiên trì của người Trưởng thôn tâm huyết, gần tết Nguyên đán năm 2002, Vĩnh Sơn đã được kéo điện về. Từ đây, đời sống của người dân đã dần có sự thay đổi.
Ông Pao vui mừng tâm sự: “Từ khi có điện lưới kéo về, thanh niên, phụ nữ trong thôn hăng say làm ăn. Vĩnh Sơn ngày nay đông vui, nhiều hộ giàu có nhà to, xe ô tô đẹp, đắt tiền, vườn rộng, quanh nhà quả ngọt bốn mùa, con cái học hành tiến bộ”.
Dẫn tôi đi trên con đường bê tông chạy dọc thôn, anh Sùng Diu Sì, một hộ điển hình làm kinh tế giỏi vui vẻ cho hay: Tính sơ bộ, mỗi năm, thôn Vĩnh Sơn cung cấp ra thị trường trên 2.000 tấn quả ngọt; cứ đến Tết Trung thu là cam Vinh, bưởi đặc sản được tung ra thị trường; giáp tết Nguyên đán là cam Sành theo những chuyến xe, về từng gia đình trên các nẻo đường đất nước. Còn dịp vào Hè là xoài xanh, nhãn lồng ngọt lịm...
Tâm sự về cung cách làm ăn của làng, anh Sùng Diu Sì cho biết thêm: Bí quyết làm ăn ở làng Mông Vĩnh Sơn là trồng rải vụ để tránh mất mùa toàn diện; chọn những cây ăn quả đặc sắc, sau đó, là phải đi trước, làm trước, làm khác biệt mọi người. Nguyên tắc của sản xuất nông nghiệp là tránh làm tràn lan, làm theo phong trào dẫn đến ứ thừa sản phẩm, khó tiêu thụ.
Cụ thể, trong diện tích trồng cam, quýt của thôn thì có khoảng 1/2 diện tích cam Vinh chín sớm, bán đầu vụ lúc tiết trời vào Thu. Điều này, rất phù hợp với đặc điểm khô hanh, háo nước tại các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Sau cam Vinh là quýt vỏ giòn, quýt ngọt, quýt đường canh. Còn lại là cam sành bán vào dịp giáp tết Nguyên đán. Thời điểm này cả làng, cả huyện bán cam sành ra thị trường, từ đó sẽ tạo áp lực rất lớn đối với mỗi nhà vườn. Do vậy, người Mông Vĩnh Sơn bán cam sành theo cách: Bán cận kề ngày tết đối với những trái cam đẹp về hình thức, chất lượng tốt và dưỡng cây, giữ quả kéo dài thời gian thu hoạch bán vào dịp khai hội Xuân…
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Phúc Hoàng Thị Hoa cho biết: Làng Vĩnh Sơn không chỉ điển hình về cách thức làm kinh tế, mà còn là làng kiểu mẫu về tính cộng đồng trong đời sống xã hội. Ở làng Vĩnh Sơn, việc của nhà này cũng là của nhà kia. Không phân chia giàu, nghèo, mọi người đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng xây dựng cuộc sống ngày một no ấm, hạnh phúc.
Thôn Vĩnh Sơn hiện có khoảng 286 hộ, với 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông có 158 hộ, tương đương gần 60%. Hiện trong thôn không còn hộ người Mông nào thuộc diện hộ nghèo. Toàn thôn trồng 160ha cam, 15,5ha nhãn… Thu nhập bình quân đạt 37,2 triệu đồng/người/năm.