Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Lạng Sơn: Phát huy vai trò Người có uy tín trong bảo tồn văn hoá dân tộc

La Mai - Ngọc Ánh - 05:48, 14/12/2023

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động cộng đồng gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Người uy tín trên địa bàn xã Quang Trung, huyện Bình Gia tuyên truyền về việc bảo tồn điệu múa sư tử mèo đến thế hệ trẻ.
Người có uy tín trên địa bàn xã Quang Trung, huyện Bình Gia tuyên truyền về việc bảo tồn điệu múa sư tử mèo đến thế hệ trẻ.

Lạng Sơn có 7 dân tộc chính: Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Mông, Hoa, Kinh. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng, tạo nên các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử rất đa dạng, phong phú với 7 nhóm di sản văn hóa phi vật thể gồm: tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội, các điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn, các lễ hội và nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, tại nhiều vùng đồng bào DTTS, Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn có 26 Người có uy tín tham dự, được biểu dương, khen thưởng.

Đến thôn Minh Tiến, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng hỏi về người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ di sản nghi lễ “Gửi đất” (nghi lễ quan trọng trong đám tang của người Cao Lan) và các làn điệu sình ca cổ truyền của dân tộc Cao Lan, người dân ai cũng nhắc đến ông Ninh Xuân Nhật (sinh năm 1951) là Người có uy tín của thôn. Hiện nay, ông đang lưu giữ 11 quyển bằng chữ Hán Nôm ghi lại toàn bộ quá trình, nội dung nghi lễ “Gửi đất” từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

Để góp phần lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan, ông đã sưu tầm, tổng hợp, ghi chép lại các làn điệu dân ca truyền thống, các bài sình ca, hát đối và các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Cao Lan để lưu giữ lại cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, ông cũng hướng dẫn bà con tham gia trình diễn các làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc trong các ngày lễ, tết, các hội thi, hội diễn, kỳ liên hoan cấp cơ sở… Ngoài ra, ông còn thường xuyên cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở trung ương, địa phương, góp phần làm rõ giá trị và quảng bá rộng rãi đến đông đảo Nhân dân về văn hóa Cao Lan.

Cũng tâm huyết với công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, ông Chu Viết Đào, sinh năm 1948, thôn Nà Tèn, xã Hải Yến là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Nùng của xã. Ông đã vận động người dân giữ gìn tiếng nói, trang phục, nghệ thuật trình diễn múa sư tử mèo của dân tộc. Ông Đào cho biết: Văn hóa của dân tộc Nùng rất phong phú, đa dạng từ tiếng nói, bài hát, điệu múa sư tử, trang phục dân tộc, ẩm thực, lễ hội… Những năm qua, ông đã tích cực tuyên truyền cho con cháu và bà con trong bản cùng gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình.

Người có uy tín trên địa bàn tỉnh tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức do Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn tổ chức
Người có uy tín trên địa bàn tỉnh tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức do Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn tổ chức

Ông Nhật và ông Đào chỉ là 2 trong số nhiều Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 1.649 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong những năm qua, Người có uy tín đã tích cực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều Người có uy tín không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong đó có các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn), Lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định)… Ngoài ra, Người có uy tín cũng tích cực gìn giữ các hoạt động tín ngưỡng dân gian như: lễ cấp sắc của dân tộc Tày, Nùng, Dao; các làn điệu dân ca truyền thống như: thêu, dệt trang phục truyền thống…

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Trong thời gian qua, cùng với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong đó, phải nhắc tới sự góp sức quan trọng của đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Họ nhắc nhở các thế hệ con cháu phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Nhờ đó đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 9 di sản được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia và 2 Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Người uy tín dân tộc Cao Lan trên địa bàn xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.
Người có uy tín người Cao Lan trên địa bàn xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.

Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tạo điều kiện để đồng bào DTTS, đặc biệt là những Người có uy tín bảo tồn, phát huy các lễ hội mang tính truyền thống, các loại hình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu trong cộng đồng. Cụ thể, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã thực hiện các hoạt động: sưu tầm, ghi hình các tư liệu dân ca do các nghệ nhân cao tuổi là Người có uy tín thực hiện. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vinh danh khen thưởng các nghệ nhân là Người có uy tín, mời các nghệ nhân là Người có uy tín tham gia truyền dạy các loại hình di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn và thành lập các CLB văn hoá, văn nghệ. Được biết, từ năm 2020 đến nay, ngành VHTT&DL phối hợp mở được trên 50 lớp truyền dạy hát dân ca, thu hút hàng nghìn học viên.

Cùng với đó, ngành VHTT&DL cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tạo ra không gian văn hóa lành mạnh để người dân, trong đó có nhiều Người có uy tín trên địa bàn tỉnh tham gia như: lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, Bủng Kham, Báo Slao, Háng Pỉnh, Tuần Văn hóa - Du lịch, ngày hội VHTT&DL…

Ông Lý Văn Khi, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để Người có uy tín tiếp tục phát huy tốt vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách chăm lo đối với Người có uy tín; biểu dương kịp thời Người có uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương. Đồng thời, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát huy tốt vai trò của mình, qua đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện.