5 năm trước, đường vào những thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là những con đường đất đỏ, trơn trượt, sinh lầy. Nay, nhờ chính sách dân tộc và việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình) những con đường đã được trải nhựa, bê tông phẳng lỳ, cơ sở y tế, giáo dục cũng được đầu tư khang trang phục vụ phát triển đời sống KT-XH người dân. Hiện, thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 35,45 triệu đồng/người/năm, tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức 8 - 9%/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức 10,89%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nên một số hạng mục, dự án thuộc Chương trình vẫn chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, việc triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là cơ hội để vùng đồng bào DTTS của tỉnh phát triển.
Theo ông Nguyễn Đình Đại, Bí thư Huyện ủy huyện Văn Quan, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân còn bộc lộ một số hạn chế, thậm chí ở một số nơi còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, do người dân vẫn chưa biết cách tái đầu tư sản xuất từ chính sách hỗ trợ. Do vậy, giai đoạn tới, Chương trình nên xây dựng cơ chế hỗ trợ người nghèo thông qua các tổ chức hỗ trợ như: Hợp tác xã, hoặc các mô hình phát triển sản xuất có người quản trị, đứng đầu có trách nhiệm thúc đẩy người dân nghèo cùng phát triển kinh tế, tránh tình trạng có nhiều chính sách hỗ trợ mà không phát huy được hiệu quả.
“Điều mong mỏi nhất của các địa phương là được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; giải quyết đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, ông Đại chia sẻ.
Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để sẵn sàng các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, tăng cường lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, các chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chủ động nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS, tập trung giải quyết nhu cầu chính đáng của Nhân dân.
Theo ông Tú, để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH đạt hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình ở cấp cơ sở; theo dõi, giám sát Chương trình có hệ thống và đồng bộ; tập trung đầu tư vào địa bàn các xã ĐBKK, nhất là vùng căn cứ cách mạng, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc rất ít người; tạo điều kiện để các cấp, các ngành và người dân chủ động bàn bạc, thảo luận, tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của Chương trình nhằm tạo ra sự đồng thuận và hợp tác, quyết tâm vượt nghèo, vươn lên làm giàu của người dân.