Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lạng Sơn: Hệ thống thư viện chưa phát huy hiệu quả

Nghĩa Hiệp - 21:37, 04/04/2020

Tỉnh Lạng Sơn có 10 thư viện cấp huyện với trên 127.500 bản sách, tuy nhiên hiện các thư viện chưa phát huy được hiệu quả trong hoạt động. Văn hóa đọc sách của người dân trên địa bàn huyện chưa cao. Theo thống kê của Thư viện tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2019, chỉ có 350 thẻ mượn sách được thư viện cấp huyện trên toàn tỉnh phát cho bạn đọc.

Những cuốn sách quý được gửi từ thành phố lên các thư viện vùng cao giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận với tri thức.
Những cuốn sách quý được gửi từ thành phố lên các thư viện vùng cao giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận với tri thức.

Thư viện huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn được đặt tại thị xã Đình Lập, cách thư viện tỉnh khoảng 55km, căn phòng trưng bày sách rộng chừng 30m2, nằm trong dãy nhà cấp 4 thuộc UBND huyện cũ. Phần lớn sách ở đây đã ngả màu vàng ố, được cất trong bao tải. Do thư viện là căn phòng nhỏ, diện tích hẹp, nên rất khó để trưng bày hết số lượng sách cấp, phát về huyện.

Theo phản ánh của bác Nông Quốc Dũng, người dân thị xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: “Tôi rất muốn đến thư viện đọc sách, nhưng khi đến thư viện thì sách còn không có chỗ để trưng bày nói gì đến chỗ ngồi. Nguồn sách cũ đã nhiều năm vẫn không có sự thay đổi, lắm lúc tôi muốn đưa các cháu trong gia đình đến thư viện, xây dựng văn hóa đọc sách cho thế hệ trẻ, nhưng tôi không thể thực hiện được”.

Hầu hết các thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều trong tình trạng tương tự, một số thư viện mặc dù có đầy đủ các đầu sách về: Kinh tế, văn hóa, tiểu thuyết, văn học,… nhưng do cơ sở vật chất của thư viện cấp huyện hạn hẹp, xuống cấp, không có cơ sở độc lập nên chỉ một số ít đầu sách được trưng bày, còn lại phải nằm trong bao tải hoặc trong góc nhà.

Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Toàn tỉnh Lạng Sơn có 10 thư viện cấp huyện, 1 thư viện cấp tỉnh. Hiện việc xây dựng thư viện cấp huyện còn nhiều khó khăn, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đến năm 2025, các thư viện huyện đều có cơ sở độc lập. Đối với nguồn phân bổ kinh phí hằng năm, thư viện cấp huyện được cấp kinh phí 53 triệu đồng/năm để hoạt động, đầu sách mới hằng năm sẽ do nguồn sách luân chuyển giữa các địa phương và từ thư viện tỉnh xuống huyện”.

Với thực trạng đó, các thư viện huyện hầu như không có đủ điều kiện tổ chức các hoạt động nâng cao văn hóa đọc cho người dân tại địa phương. Nguồn sách mới được bổ sung còn chậm, cơ sở vật chất xuống cấp là những lý do dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của thư viện huyện.

Chỉ tính riêng năm 2019, hệ thống thư viện huyện toàn tỉnh Lạng Sơn chỉ phát ra 350 thẻ thư viện và có 5.000 lượt bạn đọc đến và mượn sách tại thư viện. Đây là con số “biết nói” về hiệu quả hoạt động của thư viện huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Thư viện là nơi cung cấp nguồn kiến thức, văn hóa vô tận cho người dân, đồng thời cũng là nơi góp phần nâng cao tri thức cho người dân. Chính vì vậy, việc đầu tư, xây dựng hiệu quả hoạt động của thư viện trên địa bàn tỉnh là thật sự cần thiết.

Để xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của thư viện huyện, việc đầu tư đồng bộ về hạ tầng là rất cần thiết. Tỉnh Lạng Sơn cần có thêm những giải pháp thu hút độc giả đến với thư viện như: Các cuộc thi về sách hướng tới bạn đọc, thường xuyên thay đổi luân phiên đầu sách, trú trọng xây dựng phòng đọc cho thiếu nhi,.. hướng tới rút ngắn khoảng cách thụ hưởng văn hóa đọc giữa thành thị, nông thôn với khu vực miền núi, vùng DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.