Trên những góc phố quen thuộc, với những sự kiện kỷ niệm được tổ chức, ký ức lịch sử lại ùa về.
“Tổng hành dinh cho ngày chiến thắng”Đã bao lần đi trên con đường Phan Đình Phùng, dưới hai hàng sấu già hàng trăm năm tuổi đã bao mùa thay lá, ai cũng một lần ngắm nhìn Hoàng thành Thăng Long. Nhưng ít ai biết đến một di tích lịch sử cách mạng nằm phía sau điện Kính Thiên, điểm xuất phát của những quyết định lịch sử cho đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đó là Nhà hầm D67, ngôi nhà một tầng ẩn dưới những tán cây yên bình.
Kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975-30/4/2018), công chúng có dịp tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử Nhà hầm D67 khi Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức triển lãm “Ngày thống nhất đất nước”. Tại ngôi Nhà hầm D67, với chủ đề “Tổng hành dinh cho ngày toàn thắng”, Ban Tổ chức giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về vai trò của Nhà và hầm D67.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, Nhà hầm D67 là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có nhiều cuộc họp quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong đó, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã họp và quyết định thực hiện chiến dịch Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thăm quan triển lãm với chủ đề “Tổng hành dinh cho ngày chiến thắng”, công chúng được thưởng lãm nhiều hiện vật, tư liệu quý của các đồng chí lãnh đạo được lưu giữ cẩn trọng, như: “Thư vào Nam” của Tổng Bí thư Lê Duẩn, “Cuộc tổng tiến công nổi dậy đại thắng mùa Xuân năm 1975” của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, “Sức mạnh lòng dân” (bản viết tay) của Thượng tướng Trần Văn Trà... Triển lãm còn giới thiệu những đồ dùng để ghi chép, liên lạc, chỉ huy chiến trường… trong cuộc kháng chiến..., làm sống lại những giờ phút lịch sử của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong việc đưa ra những quyết định trọng đại liên quan vận mệnh dân tộc.
“Chân trần, chí thép”Nếu như triển lãm “Ngày thống nhất đất nước” ở di tích Hoàng thành Thăng Long tập trung vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thì ở địa điểm Nhà tù Hỏa Lò, Ban quản lý di tích đã giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về lịch sử qua triển lãm “Chân trần, chí thép”. Với 250 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, triển lãm đã khơi gợi lại những năm tháng hào hùng của cách mạng Việt Nam.
Mở đầu của trưng bày là nội dung “Theo dấu chân Người”. Những hình ảnh, hiện vật, tư liệu giúp công chúng nhìn lại tư tưởng chỉ đạo, con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua; là cội nguồn làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước mọi kẻ thù mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngoài nội dung chính về chủ đề “Chân trần, chí thép”, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò còn trưng bày hai tổ hợp: “Mốc son Ðiện Biên Phủ-1954” thể hiện khí thế sục sôi của lực lượng dân quân sử dụng xe đạp thồ để trở thành phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sĩ và “Sử vàng đại thắng-1975”, tái hiện trạm giao liên-nơi dừng chân trên đường hành quân vượt Trường Sơn của hàng triệu người lính.
Những sự kiện được tổ chức trong những ngày Lễ vừa qua thực sự là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng, giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây là những hoạt động “tiếp lửa” truyền thống cách mạng trong những ngày người dân náo nức vui hội non sông.
TÙNG NGUYÊN