Bằng nghệ thuật cường điệu, phóng đại, đôi khi kèm theo cả lối nói ngoa dụ đặc biệt dí dỏm hài hước, người dân Văn Lang không những ca ngợi những sản phẩm tinh tuý của làng quê, biểu dương khả năng lao động sáng tạo, mà qua đó còn bộc lộ những ước mơ khát vọng của mình.
Cái hay, cái đẹp, cái giá trị nhân văn, thẩm mỹ của truyện cười Văn Lang chính là ở đó. Điển hình như “Chuyện Con lươn đồng”: Nhà cụ Trạch nhờ con cháu đào lò ngâm tre. Các con cháu cụ ra tay đào gần một buổi sáng thì phát hiện được một cái hang có con lươn đang chui chạy. Mọi người mừng quýnh, nắm lấy đuôi con lươn mà kéo. Con lươn bị tóm cổ. Nó dài phải bằng cái đòn gánh, mà to thì chẳng kém bắp vế người lực điền. Con lươn bị tóm cổ và chết ngắc. Con cháu cụ Trạch khiêng về nhà làm thịt. Cả nhà hơn mười người đánh chén túy lúy chưa hết một nửa con, vì vậy mới có câu ca: “Văn Lang bắt được con lươn, thịt mang nướng chả, còn xương đẽo cày”…
Tài nghệ nói khoác của cư dân Văn Lang còn được ghi vào sử sách trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi với cái tên “tổng Văn Lang”. Làng Văn Lang có sản phẩm gì, người dân cũng có cách biểu lộ tiếng cười của riêng mình, như: tác phẩm “Dứa gò sui, Cau nhà, Cây rau dền, Vườn gỗ lem, Con lươn đồng, Quả mướp hương, Củ sắn xuyên qua đường 24, Dao sắc…”.
Không chỉ vậy, tiếng cười trong truyện cười Văn Lang thường mộc mạc, dễ hiểu, hồn nhiên, thông minh, láu lỉnh trước những thành quả lao động, trước những cảnh ngộ éo le, tật xấu... Cười để bộc lộ tâm lý lạc quan trước cuộc sống thường nhật, cười thật to, thật thoải mái và sau khi cười đầu óc không còn vương vấn, nghĩ suy gì.
Trái lại tiếng cười trên, cung bậc của tiếng cười dành cho giai cấp thống trị lại quyết liệt, ít khoan nhượng, cười với mục đích bài xích, loại bỏ. Còn đấu tranh chống những thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân thái độ thường độ lượng, khoan dung, đả kích nhẹ nhàng. Tiếng cười độc đáo của Văn Lang bắt nguồn sâu sắc từ chất khôi hài giàu có của truyền thống văn học dân gian.
Hiện nay, số truyện cười được người dân sưu tầm, diễn xướng tương đối dồi dào với trên 200 câu chuyện khác khau. Trong truyện cười Văn Lang ta bắt gặp những câu chuyện như “Thề cá trê chui ống, Tiếng đàn bầu, Tinh trứng, Ông vệ sinh, Chạy đằng giời, Khó chữa lắm đấy”… là những câu chuyện phê phán những thói hư tật xấu, những yếu kém trong nội bộ quần chúng nhân dân và dăn dạy con người sửa chữa tật xấu của mình. Thông qua đó nhằm đem đến cho mọi người dân trong làng một nét ứng xử văn minh, lành mạnh, một không khí dân chủ trong phê bình và tự phê bình, từ đó giáo dục con người hoàn thiện, trong sáng hơn.
Đến với làng cười Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông mới thấy được con người nơi đây hồn nhiên, vui vẻ. Họ nói chuyện với nhau cũng khiến người nghe phải nở nụ cười, bởi cách nói ví von, dí dỏm.
Để giữ gìn nét đẹp truyền thống, hằng năm, sau khi lúa mạ đã xong, xã Văn Lương thường tổ chức thi kể chuyện cười. Trong cuộc thi, ai kể chuyện mà người nghe cười to nhất, cười nhiều nhất thì người đó sẽ giành phần thắng. Bên cạnh đó, hằng năm ngoài tổ chức cuộc thi kể chuyện cười, địa phương còn khuyến khích những người có khả năng diễn xướng truyện cười thành lập CLB văn nghệ, thường xuyên đi lưu diễn, hay giao lưu với nhau, kể chuyện cho con cháu cùng nghe nhằm quảng bá và giữ gìn nét đẹp truyện cười Văn Lang.
Hiện nay, tại Thư viện tỉnh Phú Thọ còn lưu trữ nhiều cuốn truyện cười Văn Lang và nhiều tài liệu liên quan tới loại hình di sản Ngữ văn dân gian này. Ông Nguyễn Đắc Thủy, PGĐ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị truyện cười Văn Lang, Sở Văn hóa TT&DL tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và triển khai kế hoạch đề nghị vinh danh các nghệ nhân làng cười Văn Lang. Đây là những hạt nhân sẽ tham gia truyền dạy và phát triển truyện cười Văn Lang lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Thế hệ trẻ của làng Văn Lương sẽ là những người tiếp nối sự nghiệp lưu giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc biệt này.
NGỌC TUẤN