Một thời gian khó
Nhìn khung cảnh nên thơ của làng chài trên lòng hồ Sê San, thuộc thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, ít ai biết được những hành trình gian khó, gập ghềnh mà các cư dân nơi này đã từng trải qua.
Là một trong những cư dân đầu tiên đặt chân đến lòng hồ Sê San, ông Nguyễn Văn Triều ở thôn 7, xã Ia Tơi kể: Tôi quê ở An Giang, năm 2010 nghe bạn bè rủ ở Kon Tum có lòng hồ Sê San rộng lớn. Tôi mới ra đây và thấy nguồn thủy sản còn nhiều, có nhiều loại quý, như: Cá lăng, cá anh vũ, cá sọc sưa, cá trắm, cá mè... Từ đó, tôi quyết định ở lại đây làm, sau đó rủ anh em cùng ra làm.
Các hộ dân ở làng chài đến từ các vùng miền khác nhau, như: Cà Mau, An Giang, Long An… Mỗi người một quê, nhưng cùng chung phận mưu sinh xứ người. Những hộ dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Sê San.
Ông Đặng Văn Thuộc, thôn 7, xã Ia Tơi nhớ lại: Thời gian đầu, anh em chúng tôi ra đây thì không có giấy tờ tùy thân gì cả, làm nhà bè và sống lênh đênh trên lòng hồ Sê San giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Nói chung rất vất vả. Khi chính quyền tỉnh Kon Tum kiểm tra thì chúng tôi kéo nhà bè qua địa phận tỉnh Gia Lai và ngược lại.
Huyện đã hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng 15 mô hình nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Sê San từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân thành lập Hợp tác xã nhằm phát huy lợi thế của nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ Sê San...”
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai
Năm 2015, khi huyện Ia H’Drai được thành lập, 29 hộ dân làng chài từ chỗ sinh sống bất hợp pháp đã được UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân làng chài làm giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng dài hạn và năm 2017 được cấp hộ khẩu. Từ đó, họ trở thành công dân chính thức của xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai và cuộc sống của các hộ dân làng chài bước sang một trang mới. Các hộ được huyện tạm giao 400m2 đất ở và hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà; được hưởng các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; con em trong độ tuổi được đến trường. Từ đó, các hộ gia đình ổn định cuộc sống, không còn tình trạng di cư như thời gian trước.
Điểm đến hấp dẫn của du khách
Trở lại làng chài Sê San, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở nơi đây. Ngoài những căn nhà xây kiên cố trên bờ thì đã xuất hiện những nhà hàng nổi làm du lịch trên lòng hồ. Mọi thứ đã đổi thay, nhưng tính cách hào sảng, mến khách của những cư dân miền Tây sông nước vẫn còn nguyên vẹn, thể hiện qua những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt.
Rẽ sóng nước Sê San, anh Nguyễn Thành Nhân đưa chúng tôi dạo quanh một vòng làng chài, anh kể: Duyên nợ thế nào mà vợ chồng lên đây đã hơn 10 năm. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, giờ đủ tự tin để nuôi con cái ăn học. Hiện, gia đình làm 6 lồng bè nuôi cá, mỗi năm xuất hàng chục tấn cá thương phẩm thu về 30 đến 40 triệu đồng.
Hiện nay, làng chài Sê San có 29 hộ, 103 nhân khẩu đang sinh sống; trong đó, có 6 hộ kinh doanh du lịch, nhà hàng, thăm quan... Du khách thăm quan làng chài được trải nghiệm hoạt động câu cá, xem cách đánh bắt cá cơm tự nhiên trên lòng hồ. Thưởng thức các món ăn dân dã được chế biến từ các loại cá và mua các sản phẩm OCOP, như: Cá cơm khô, bánh tráng cá cơm, khô cá lóc... Hằng năm, làng chài đón khoảng 2.000 lượt khách du lịch đến thăm quan.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Huyện đã hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng 15 mô hình nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Sê San từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân thành lập Hợp tác xã nhằm phát huy lợi thế của nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ Sê San và gắn kết chặt chẽ người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản với thị trường, cải thiện thu nhập cho người dân theo hướng lâu dài, bền vững.