Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Làng… bơ vơ

Việt Thắng – Y Nguyên - 17:22, 13/08/2021

Sau “vang bóng một thời”, các xí nghiệp chè ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) giải tán, hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh “bị bỏ rơi”. Rất nhiều cái không ở những ngôi làng này, nhưng tủi thân hơn cả là họ không được sinh hoạt trong một tổ chức, đoàn thể nào.

 “Liên lạc viên” Trần Thị Lan (người mặc áo đen) cho biết: Bà con đã nhiều lần có ý kiến với cấp trên, nhưng 7 năm qua xóm vẫn chưa được thành lập
“Liên lạc viên” Trần Thị Lan (người mặc áo đen) cho biết: Bà con đã nhiều lần có ý kiến với cấp trên, nhưng 7 năm qua xóm vẫn chưa được thành lập

40 năm ấy

Từ những năm 1970 của thế kỷ trước, Xí nghiệp chè Thanh Mai (xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương) ra đời. Những ngày đầu ấy, Xí nghiệp là nơi “dắm chân” của anh em bộ đội xuất ngũ, mà hồi đó thường gọi là “chuyển ngành”. 

Cây trồng chủ yếu lúc bấy giờ là chè và cam. Chè Thanh Mai thơm nức tiếng trong vùng, còn cam thì khỏi phải nói, ngọt lịm. Năm 1990, nông trường không còn làm ăn tập trung mà bắt đầu thực hiện khoán hộ. Cũng kể từ đó, chè là cây chủ lực được phát triển ở đây. 

“Vợ chồng tôi gia nhập Xí nghiệp chè từ năm 1974. Những ngày tháng ấy tuy vất vả nhưng rất vui vẻ, được tham gia các đoàn thể, tổ chức quy củ lắm. Vì thế, ai cũng đem hết sức mình để lao động sản xuất, cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước. Từ năm 2014, Xí nghiệp giải thể, anh chị em chúng tôi với hơn 300 con người, là công nhân hẳn hoi rơi vào cảnh… bơ vơ”, bà Nguyễn Thị Ngọ, cựu công nhân Xí nghiệp chè Thanh Mai, nói trong tiếc nuối.

Cũng như bà Ngọ, chị Trần Thị Lan rơm rớm nước mắt: Ngày xưa, nào là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh… hoạt động rất sôi nổi. Các đội trưởng như một trưởng thôn, điều hành mọi hoạt động trong thôn rất trôi chảy, công nhân trên dưới một lòng, không phong trào nào là không tham gia. Từ ngày không còn xí nghiệp nữa, các đoàn thể cũng tan rã luôn, quyền lợi của chúng tôi cũng không được đảm bảo. 

“Chao ôi, mỗi lần đến các ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân, Quốc tế phụ nữ, ngày Người cao tuổi… các xóm làng bên cạnh tổ chức linh đình, mà tủi phận lắm. Bên kia thì loa đài, hát hò chúc tụng, xóm mình thì…”, chị Lan tỏ ra tủi thân.

Cũng theo chị Lan, do chưa phải là đơn vị cấp xóm chính thức của xã, nên trong chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn không có tên của xóm chị. Đất đai chưa được cấp giấy chứng nhận, do vậy muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn cũng rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Đó là chưa kể một số chế độ chính sách của Nhà nước, bà con cũng không được hưởng. 

Chị than thở: Hơn 40 năm gắn bó với vùng đất này rồi, nhưng đất ở lẫn đất sản xuất của bố mẹ tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận, vì danh nghĩa là đất của Xí nghiệp. Người dân như bị trói tay trói chân. Bà con đã nhiều lần có ý kiến với cấp trên, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và cả Đại biểu Quốc hội, nhưng 7 năm qua đâu vẫn hoàn đó, xóm vẫn chưa phải là xóm của xã.

Tuy xóm chưa được thành lập, nhưng để quản lí về mọi mặt, UBND xã Thanh Mai đã có sáng kiến hỗ trợ 900.000 đồng mỗi tháng để chị Lan làm “liên lạc viên” gữa xóm và xã. Theo chị Lan, nói là liên lạc viên nhưng chị phải hoạt động như một trưởng thôn; từ thông báo chủ trương, chính sách, phòng chống dịch bệnh, an ninh trật tự đến ma chay… chị đều phải chịu trách nhiệm. Trong lúc, dân cư thưa thớt, trải dài trên một địa bàn rộng, loa phóng thanh không phủ sóng hết được, nên chị cứ phải gõ cửa từng nhà mỗi khi có thông báo mới.

Giống như Xí nghiệp chè Thanh Mai, sau khi Xí nghiệp chè Ngọc Lâm (xã Thanh Thủy) giải tán, gần 230 hộ dân từng là công nhân của Xí nghiệp cũng chưa biết “bấu víu” vào đâu. Kể từ năm 2018, các đoàn thể của xí nghiệp trước đây cũng không còn, bà con như rắn mất đầu. Cũng như sáng kiến ở xã Thanh Mai, ông Hồ Văn Dương được xã “nhờ” làm “trưởng thôn” với mức trợ cấp 500.000 đồng/tháng. 

Ông Dương nói trong buồn bã: “Gọi là thôn cho nó oai, chứ làm gì đã có thôn với xóm. Do chưa được thành lập thôn nên đất đai của bà con đã có giấy tờ gì đâu, nhiều quyền lợi lẽ ra người dân được hưởng thì tất thảy chúng tôi ở đây cũng chưa có…”.

Người dân Xí nghiệp chè Thanh Mai mong muốn sớm thành lập xóm
Người dân Xí nghiệp chè Thanh Mai mong muốn sớm thành lập xóm

Và đến bao giờ

Mang theo tâm tư của bà con, chúng tôi tìm gặp ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai. Ông Thắng nói, xã rất “sốt ruột” khi các hộ dân của Xí nghiệp chè Thanh Mai “bơ vơ” từ nhiều năm qua. Các đoàn thể không còn hoạt động, không có xóm trưởng và các chức danh khác, nên xã rất khó quản lý, điều hành. 

Và, bà con cũng bị thiệt thòi quyền lợi khi chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế, hỗ trợ mất mùa do thiên tai không đến được với họ. Xã đã có tờ trình gửi cấp trên đề nghị thành lập đơn vị cấp xóm, nhưng đến này vẫn chưa thấy chủ trương từ trên. 

Ngoài ra, cũng còn một vướng mắc, là toàn bộ diện tích đất ở và đất sản xuất của người dân thuộc Xí nghiệp chè quản lý, nên về mặt thủ tục, xã đang phải chờ Xí nghiệp thanh lý hợp đồng thuê, mượn đất với người dân để chuyển về cho xã quản lý, sau đó xã làm thủ tục giao lại cho dân để được cấp sổ đỏ. 

“Chúng tôi đã làm việc với đại diện Công ty Chè Nghệ An từ giữa tháng 3 vừa qua, nhưng đến nay, họ vẫn chưa làm thủ tục thanh lý”, ông Thắng cho biết.

Trong lúc đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - ông Lê Đình Thanh, cho biết hồ sơ thành lập các xóm ở các xí nghiệp chè giải thể đã được chuyển lên tỉnh và đang chờ HĐND tỉnh Nghệ An họp để thông qua. Và, ông Thanh cũng không rõ có “vướng mắc” gì hay không, nhưng cá nhân ông và lãnh đạo huyện rất mong các xóm sớm được thành lập, để bà con đỡ thiệt thòi về quyền lợi, cũng như công tác quản lí, điều hành được thuận lợi.

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.