Mới đây, tại Việt Nam, trào lưu này lại xuất hiện trở lại với một số thay đổi về tên gọi và các yêu cầu. Cụ thể, người chơi sẽ thực hiện thử thách 21 ngày đọc sách, bằng cách người chơi cam kết mỗi ngày đọc sách ít nhất 30 phút rồi đăng tải trên trang cá nhân hình ảnh về cuốn sách mình đang đọc. Ngoài ra, người chơi còn phải mời một người bạn trong danh sách bạn bè của mình tham gia. Đây là những hành động thiết thực cổ vũ cho việc đọc sách.
Có thể thấy, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều nhóm (group) cung cấp, trao đổi thông tin về nhiều lĩnh vực chuyên biệt. Nhưng, dù có chuyên sâu tới đâu thì những thông tin trên mạng xã hội thường thiếu hệ thống. Dù người dùng đọc một bài vài nghìn chữ đi chăng nữa thì nó vẫn không thể đầy đủ trọn vẹn như một cuốn sách chuyên ngành mà những thông tin này hữu ích ở tính gợi mở để người dùng tiếp tục tìm tòi nghiên cứu.
Người ta không thể làm giàu vốn hiểu biết bằng những mẩu “kiến thức bỏ túi” ngắn ngủi mà lãng quên giá trị của việc đọc sách. Rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng đánh giá cao việc trở lại của trào lưu thách thức đọc sách. Nhiều người như được “kích thích” lại niềm đam mê đọc sách đã nguội lạnh từ lâu.
Thông qua mạng xã hội, văn hoá đọc dường như được lan toả rộng và thiết thực hơn khi người ta có thể chia sẻ những điều thú vị, bổ ích của những cuốn sách mình đọc cho bạn bè. Không cần phải “cai” mạng xã hội một cách cực đoan, khi cộng đồng hướng tới một giá trị hữu ích dựa vào sự lan toả của mạng xã hội là một cách làm sáng tạo và đáng khuyến khích.
HỒNG PHÚC