Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lan toả tinh thần khởi nghiệp trong phụ nữ Ba Na

Ngọc Thu - 07:40, 06/11/2024

Từ bao đời nay, cùng với cồng chiêng, rượu cần đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người Ba Na ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Nhằm giữ gìn văn hóa, nghề truyền thống, mô hình Tổ hợp tác Voi Rừng do chị Đinh Thị Đách làm trưởng nhóm đã tập hợp chị em phụ nữ Ba Na cùng nhau đưa hương rượu cần “bay” xa.

Các thành viên Tổ hợp tác Voi Rừng cùng nhau chia sẻ, gìn giữ nghề truyền thống làm rượu cần.
Các thành viên Tổ hợp tác Voi Rừng cùng nhau chia sẻ, gìn giữ nghề truyền thống làm rượu cần

Giữ nghề truyền thống

Được làm từ những nguyên liệu từ tự nhiên như gạo, hạt bo bo, hạt bắp… nhưng rượu cần của chị Đinh Thị Đách ở làng Đăk Giang 2, xã Đông, huyện Kbang nổi tiếng bởi hương vị đặc biệt, làm người thưởng thức phải nghiêng ngả, đắm say.

Chia sẻ về bí quyết làm rượu cần, chị Đách cho hay: Làm rượu cần là nghề được lưu truyền qua các thế hệ, mình đã dày công nghiên cứu để vừa giữ gìn được hương vị truyền thống, vừa thơm và ngon hơn. Để làm được như vậy, mình đã chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm rượu cần ngon từ các bà, các mẹ đi trước. Năm 2016, mình đã tìm ra phương pháp làm men rượu với 12 loại nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, cách trộn men, thời điểm ủ rượu… Men rượu phải nắn thành từng miếng, rồi đem treo gác bếp để không bị hỏng và đảm bảo độ thơm ngon của rượu. Rượu được làm từ men tự nhiên thường rất ngon, có mùi thơm dịu nhẹ, uống không bị đau đầu.

Ban đầu, 1 năm chị Đách chỉ bán được từ 20 đến 30 bình rượu. Sau đó, dân làng truyền tai nhau về thứ “mỹ tửu” này, chị Đách đã bán được nhiều hơn. Từ năm 2018 trở đi, mỗi năm chị bán từ 100 đến 200 bình rượu.

Hiện nay chị Đách cung cấp ra thị thường 3 loại sản phẩm là rượu cần bo bo, bắp và gào; với dung tích dạng 4 lít, 6 lít, 8 lít; giá bán dao động từ 200 - 400 ngàn đồng/bình. Rượu của chị chỉ sử dụng men tự làm nên luôn giữ ổn định về chất lượng, hương vị, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi năm chị thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng.

Tổ hợp tác Voi Rừng tham gia hoạt động giới thiệu sản phẩm, cuộc thi Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.
Tổ hợp tác Voi Rừng tham gia hoạt động giới thiệu sản phẩm, cuộc thi Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số

Lan toả tinh thần khởi nghiệp

Từ đặc sản có chất lượng và uy tín, năm 2022, chị Đách được mời tham gia đồng sáng lập Tổ hợp tác Voi Rừng - biểu trưng cho sự mạnh mẽ, ý chí đi lên của đồng bào Ba Na.

Hiện tại, huyện Kbang đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động tạo điều kiện cho người dân, nhất là chị em phụ nữ DTTS tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã quảng bá, giới thiệu nét văn hóa, ẩm thực địa phương tới du khách. Qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế, gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Ba Na, giúp chị em phụ nữ DTTS tự tin khẳng định bản thân, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Chị Đinh Thị Triết Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang

Chị Đinh Thị Linh, thành viên Tổ hợp tác Voi Rừng cho hay: “Tổ hợp tác có 16 thành viên, trong đó, nhóm rượu cần có 5 thành viên. Rượu cần của chúng tôi đảm bảo chất lượng, bán ra thị trường ngày càng nhiều nên thu nhập của các thành viên đều được đảm bảo ổn định”.

Để mở rộng thị trường, Tổ hợp tác đã mạnh dạn mang sản phẩm đi giới thiệu ở các hội chợ nông sản trong và ngoài huyện. Năm 2023, chị Đách và các cộng sự tham gia cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023, với dự án “Rượu cần Đăk Giang - đặc sản văn hóa của người Ba Na” và lọt vào vòng bán kết; đồng thời được trao giải thưởng Chứng nhận lâm sản ngoài gỗ - NTFP. Trong năm 2024, Tổ hợp tác Voi Rừng đã đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức. Đây là động lực để chị Đách tự tin bước tiếp trên con đường kinh doanh.

Chị Đinh Thị Triết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang nhận định: Chị Đinh Thị Đách là hội viên phụ nữ tiêu biểu ở Kbang với tư duy tiến bộ, sáng tạo và có trách nhiệm với cộng đồng. Chị Đách đã lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Ba Na và tô đẹp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị Đách đã hỗ trợ, giúp đỡ cho những hộ hội viên DTTS trong làng biết tận dụng đặc sản tại địa phương để giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.