Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Làm sâu sắc thêm các hệ giá trị Việt Nam: Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam (Bài 4)

Sỹ Hào - 16:34, 01/12/2022

Hệ giá trị con người có những giá trị tương đồng với hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia, tất nhiên cũng có những giá trị riêng biệt. Giá trị con người chính là nhân tố cốt lõi và liên kết tạo thành những vòng tròn đồng tâm giữa các tầng nấc giá trị.

Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” khai mạc sáng 29/11/2022.
Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” khai mạc sáng 29/11/2022.

Kết hợp giá trị truyền thống với giá trị thời đại

Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiên nay của đất nước. Hệ giá trị con người gồm nhiều giá trị cấu thành khác nhau. Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội thì hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định.

Với quan điểm lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đều hướng tới mục tiêu phát triển con người. Nhờ những kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội, chất lượng dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam không ngừng tăng lên. HDI của Việt Nam đã liên tục tăng từ 0,682 điểm (năm 2016) lên 0,706 điểm (năm 2020). Hiện Việt Nam đã vào nhóm các nước có HDI ở mức cao trên thế giới.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới. Theo đó, Tổng Bí thư khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Những giá trị này vừa là kết tinh những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa là yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam đương đại phải thực hiện, phải tuân thủ, phải xem là khung khổ, khuôn mẫu, tiêu chí để suy nghĩ và hành động.

Tại Phiên thảo luận thứ nhất (sáng 29/11/2022) trong khuôn khổ Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, nhiều chuyên gia đã bàn sâu về mối quan hệ biện chứng giữa hệ giá trị văn hóa gia đình với hệ giá trị con người. Đặc biệt, các chuyên gia khẳng định, việc kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị hiện đại trong hệ giá trị con người Việt Nam tương quan với hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam là một thành tố nổi bật.

PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. 

Trong văn hóa gia đình Việt Nam, các yếu tố văn hóa mới, các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn, đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể những giá trị được coi là bảo thủ, truyền thống và trì trệ.

Văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. (Trong ảnh: Sinh hoạt thường ngày của đồng bào Ê Đê bên ngôi nhà dài truyền thống)
Văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. (Trong ảnh: Sinh hoạt thường ngày của đồng bào Ê Đê bên ngôi nhà dài truyền thống)

Còn theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, văn hóa đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu. Do đó, cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai.

“Cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, GS.TS. Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh và khẳng định, những giá trị của con người Việt Nam thời kỳ mới, hiện đại sẽ và chỉ được định hình trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

Vững vàng trước mọi biến động

PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người cho biết, hiện chúng ta đang “khủng hoảng” hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư duy, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Nhấn mạnh câu chuyện khủng hoảng hệ giá trị trong xã hội hiện nay, ông Hải dẫn ra các ví dụ đau lòng về đạo đức, khiến xã hội phải rúng động như vụ con đổ xăng đốt mẹ vì tranh chấp đất đai, hay vụ đóng đinh vào đầu trẻ... Những hiện tượng cho thấy sự “phi giá trị khủng khiếp chưa bao giờ thấy trong lịch sử”.

PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, hiện chúng ta đang “khủng hoảng” hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Ông Hải để xuất phải có một nghị quyết về con người.
PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, hiện chúng ta đang “khủng hoảng” hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Ông Hải để xuất phải có một nghị quyết về con người.

“Vì vậy, hơn lúc nào hết rất cần phải xác lập được nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới và đổi mới nhận thức về hệ giá trị”, ông Hải đề nghị.

Đây cũng là định hướng được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Để thực hiện được những mục tiêu này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 (phê duyệt tại quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó phát triển con người là một nội dung quan trọng. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam như thế nào cho phù hợp trong tình hình mới là vấn đề được các chuyên gia quan tâm thảo luận.

PGS.TS Lương Đình Hải cho rằng, cần vực dậy giáo dục trong gia đình; bởi đã xuất hiện tình trạng đứt gãy giáo dục hệ giá trị trong gia đình, trẻ em hiện nay có rất ít thời gian tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, theo ông Hải, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho xã hội cũng phải chú ý đến giáo dục về các hệ giá trị. Ông Hải để xuất phải có một nghị quyết về con người.

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, khi xây dựng các hệ giá trị phải đảm bảo có thể áp dụng được cho mọi người Việt Nam ở mọi miền, người Kinh hay đồng bào DTTS.
Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, khi xây dựng các hệ giá trị phải đảm bảo có thể áp dụng được cho mọi người Việt Nam ở mọi miền đất nước

Còn GS. TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội thì cho rằng, chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Đặc biệt, GS.TS Hồ Sĩ Quý lưu ý khi xây dựng các hệ giá trị phải đảm bảo có thể áp dụng được cho mọi người Việt Nam ở mọi miền, người Kinh hay đồng bào DTTS.

“Nếu một cộng đồng nào thấy các hệ giá trị này là chuyện của các ông, không phải chuyện của tôi thì việc của chúng ta thất bại”, GS Quý nói và cho rằng, giới lý luận phải dày công hơn nữa để đóng góp vào việc xây dựng các hệ giá trị này mang tính phổ quát nhất. Và trong khi cắt nghĩa khái niệm chuẩn mực con người Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng cần cảnh báo những vấn đề xã hội đang đặt ra.

Cũng cần thấy rằng, Đại hội XIII của Đảng đã định hướng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới. Nhưng làm thế nào để đưa những hệ giá trị này thấm sâu và trở thành những điều tự nhiên trong đời sống hàng ngày của người dân không phải là việc dễ và có thể làm được trong một sớm một chiều. Các chuyên gia cho rằng, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và đặc biệt phải kiên trì, nghiêm túc, thực hiện thường xuyên, liên tục.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dungnày trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.