Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm nông nghiệp thời 4.0

PV - 11:15, 14/08/2019

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản, liên kết, đầu tư tiêu thụ sản phẩm... là cách làm thành công trong việc tạo dựng thương hiệu nông sản của Sơn La. Cách làm của chính quyền tỉnh Sơn La không chỉ giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn xây dựng được thương hiệu nông sản của địa phương đối với thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Từ thay đổi tư duy sản xuất

Dọc hai bên đường đi vào Bản Dọi I, xã Tân Lập (huyện Mộc Châu) là những đồi chanh leo xanh mướt với những giàn quả sai lúc lỉu. Đã xế chiều nhưng trên những đồi chanh leo, bà con dân tộc nơi đây đang khẩn trương thu hoạch chanh leo để còn kịp giao hàng vào sáng sớm hôm sau. Anh Lò Văn Luân, dân tộc Thái ở bản Dọi I cho biết: Gia đình anh có khoảng 1ha trồng chanh leo, mỗi năm gia đình anh thu được gần 8 tấn quả. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, gia đình anh có thu nhập khoảng 160 triệu đồng.

Ông Lò Văn Thiện, Trưởng bản Dọi I cho biết: Bản Dọi I, có 230 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Từ năm 2017 đến nay, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây chanh leo, mang lại thu nhập ổn định hơn so với trước đây. Đời sống người dân đã có sự thay đổi tích cực. Năm 2018, bản có 15 hộ thoát nghèo, hiện bản chỉ còn 3 hộ nghèo.

Cán bộ Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La kiểm tra vườn chanh leo của Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu. Cán bộ Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La kiểm tra vườn chanh leo của Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu.

Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, thì chính quyền địa phương còn đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác xã kiểu mới. Chia sẻ về mô hình liên kết hợp tác trồng cây ăn quả, ông Kiều Quốc Nhật, Phó Giám đốc Hợp tác Chanh leo Mộc Châu cho biết: Hiện nay, HTX tập trung trồng chanh leo với diện tích gần 300ha và liên kết 270 hộ dân. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, mỗi ha chanh leo cho thu hoạch khoảng 200 triệu đồng. Năm 2018, tổng sản phẩm chanh leo của HTX đạt gần 250 tấn, thu nhập khoảng 50 tỷ đồng.

“Để có được những thành quả này là nhờ chủ trương đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020, chuyển dịch diện tích trồng ngô và các cây trồng khác hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền. Mỗi địa phương đều được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng miền”, ông Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn la cho biết.

Đến mở rộng thị trường tiêu thụ

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh Sơn La đã có nhiều hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu

nông sản như: Tổ chức các tuần lễ hoa quả tiêu biểu cũng như nông sản sạch ở trong và ngoài nước; Ngày hội hái quả, thăm quan vườn quả tại địa phương để quảng bá, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và nhà đầu tư; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, mẫu bao bì sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mở hình thức bán hàng trên thương mại điện tử. Các sản phẩm trái cây của Sơn La đã tạo dựng được thương hiệu đối với thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Trong năm 2018, đã có gần 18.000 tấn hoa quả (mận, xoài, chanh leo, nhãn, thanh long ..) xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Úc và các nước EU, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Bên cạnh đó, để tăng năng suất chất lượng cho nông sản theo tiêu chí xuất khẩu chuẩn VietGAP, GAP ngành Nông nghiệp Sơn La đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong sản xuất trồng trọt, như: đưa công nghệ tưới tiết kiệm nước và phân bón hòa tan cho gần 350 ha cây ăn quả, thực hiện quy trình nông nghiệp hóa toàn cầu (GlobalGAP)... Điển hình như Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc đã áp dụng mô hình sản xuất khép kín đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đó là dây chuyền công nghệ Đức, chuyên chế biến tinh chất chanh leo với công suất 30 tấn/ngày phục vụ thị trường xuất khẩu sang Pháp và 1 số nước EU. Hiện tại, Công ty đã liên kết với 6 Hợp tác xã và 9 Tổ hợp tác trong tỉnh trồng 650 ha cây chanh leo tại 7 huyện để cung ứng và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Với những thành tựu ban đầu đã đạt được, theo Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La- Lò Minh Hùng, Sơn La sẽ tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu phát triển cây ăn quả, nâng về quy mô sản xuất cây ăn quả, đưa các giống mới vào sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100 nghìn ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 600 ngàn tấn, sẵn sàng phục vụ các nhà máy chế biến của Sơn La, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần mang lại giá trị kinh tế, ổn định đời sống cho người dân.

THÚY HỒNG

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.