Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm nông nghiệp gắn với du lịch- Mô hình kinh doanh mới ở Trùng Khánh

Văn Hoa - 11:00, 28/06/2022

Mô hình kinh doanh nông nghiệp kết hợp thăm quan trải nghiệm và mua dâu tây ngay tại vườn, là hướng đi mới đang được anh Nông Văn Tậu, dân tộc Tày, thực hiện tại phố Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh, Cao Bằng), mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Anh Nông Văn Tậu trăn trở trước vùng đất trồng lúa, hoa màu, hiệu quả kinh tế thấp
Anh Nông Văn Tậu bước đầu đã thành công với mô hình trồng dâu tây

Đánh thức tiềm năng của đất

Trong chuyến công tác về Cao Bằng, chúng tôi có một trải nghiệm thú vị mà cứ ngỡ rằng, chỉ ở Đà Lạt hoặc Mộc Châu mới có, đó là thăm, chụp ảnh và hái quả dâu tây ăn ngay tại vườn của anh Nông Văn Tậu- một thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu tại địa phương.

Anh Tậu kể, vùng đất này trước đây, gia đình anh cũng như các hộ dân khác chỉ cấy một vụ lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên, anh thường xuyên được đi thăm quan, công tác và học tập các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh, từ các diễn đàn thanh niên khởi nghiệp nên anh đã biết đến mô hình trồng dâu tây.

Nhận thấy đây là mô hình kinh tế đầy triển vọng nên năm 2020, anh đã trồng thử nghiệm 500m2, bán với giá từ 150 - 200 nghìn/kg quả dâu tây, thu lãi hơn 18 triệu đồng. Năm 2021, anh quyết định thuê 1 ha đất trồng lúa (với giá thuê 30 triệu/năm) cạnh đường lớn để trồng dâu tây, kết hợp đón khách thăm quan trải nghiệm.

Khách du lịch thích thú chụp ảnh trước vườn dâu tây (Ảnh TL)
Khách du lịch thích thú chụp ảnh trong vườn dâu tây (Ảnh TL)

Anh Tậu cho biết, giống dâu tây được trồng tại vườn là giống  Hana (Nhật Bản) anh nhập trực tiếp từ Đà Lạt, được ươm ở Bắc Kạn rồi chuyển về vườn trồng. Ban đầu khi mới trồng, anh gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc. Qua nghiên cứu, học hỏi, dần dần anh đã biết được đặc tính sinh trưởng của cây, trái dâu tây để áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp,vì thế to hơn, căng mọng hơn.

Theo anh Tậu, trung bình mỗi ngày có từ 20 - 30 khách đến vườn, đỉnh điểm có ngày trên 200 khách. Du khách đến vườn không phải trả phí vào cổng và phí chụp ảnh, mà anh chỉ bán quả dâu tây tại vườn. Giá dâu tự hái khoảng 160 nghìn/kg, nếu mua sẵn giá từ 180 - 200 nghìn/kg.

Chia sẻ về cách chăm sóc, anh Tậu kể: “Tôi đã có thời gian trồng thử nghiệm tại nhà, nhận thấy giống dâu tây phù hợp với khí hậu ở huyện Trùng Khánh nên tôi nhân rộng. Dâu tại vườn được chăm sóc theo hướng hữu cơ”.

Để cây sinh trưởng tốt, anh thường dùng dịch chuối và bã đậu để bón cho cây và bón thêm phân vi sinh Thái Bình một tháng một lần. Ngoài ra anh còn bón thêm phân trùn quế. Quy trình chăm bón dâu đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công từ khâu nhổ cỏ cho đến chăm sóc và thu hoạch. Hệ thống nước tưới được đầu tư bán tự động, thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc cây cũng như an toàn cho hoạt động trải nghiệm của du khách. 

Một mô hình đầy triển vọng

Nhờ nắm bắt thời cơ và lựa chọn đúng hướng để đầu tư, hiện nay vườn dâu tây của gia đình anh Tậu, đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm.

Anh Nguyễn Xuân Hiến, hướng dẫn viên du lịch đưa khách đến trải nghiệm tại vườn cho biết, trái dâu tây tại đây quả to và mọng, giá mua dâu tại vườn rẻ nên du khách rất yêu thích.

Nói về hiệu quả kinh tế của mô hình, anh Tậu cười tươi, mặc dù chỉ mới thực hiện năm đầu, đã có rất nhiều du khách biết và đến trải nghiệm. Hiện tại chưa hết vụ anh đã thu được 74% tiền đầu tư mô hình (gần 500 triệu). Cũng nhờ mô hình hiệu quả mà anh đã tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, và 6 đến 8 lao động tính theo ngày (giá thuê là 200 nghìn/ngày), tất cả đều là người dân tộc Tày, Nùng tại địa phương. Ngoài ra, anh thường xuyên trao đổi với các thanh niên nhân rộng phát triển cây dâu tây, để mọi người mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng thêm thu nhập.

“Thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích vườn và đầu tư điểm dừng chân để du khách có chỗ ngồi và dịch vụ ăn uống; đầu tư khu tiểu cảnh để chụp ảnh; đặc biệt, chế biến chiều sâu từ dâu tây, như làm si - rô sinh tố phục vụ trong mùa hè”, anh Tậu chia sẻ dự định tới của mình.

Anh Nông Văn Tậu thường chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu tây cho thanh niên địa phương
Anh Nông Văn Tậu thường chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu tây cho thanh niên địa phương

Trao đổi về mô hình trồng dâu tây kết hợp thăm quan trải nghiệm của anh Nông Văn Tậu, ông Hà Văn Trình, Bí thư Đảng ủy xã Đoài Dương nhìn nhận, đây là mô hình mới triển khai nhưng có những tín hiệu rất khả quan. Từ mô hình khởi nghiệp của anh Nông Văn Tậu, đã gợi mở một hướng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Theo Bí thư Đảng ủy xã, vừa qua, Đại hội Đảng bộ xã cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển các loại cây, con có thế mạnh của địa phương, ngoài mô hình của anh Nông Văn Tậu, hiện trên địa bàn còn có các mô hình phát triển rau an toàn (trong đó có 3 ha rau được công nhận là Vietgap); mô hình thanh niên nuôi trâu, bò vỗ béo (gần 30 mô hình); mô hình nhà hàng kết hợp với phát triển du lịch… những hướng đi mới trong phát triển kinh tế khả thi này, đang được chính quyền địa phương khuyến khích tiếp tục nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.