Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nuôi cá lồng, thanh niên người Thái kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Kim Anh - 10:09, 22/04/2022

Tìm hiểu, nắm bắt và tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, anh Lường Văn Chùm, sinh năm 1989, dân tộc Thái, đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Lường Văn Chùm
Mô hình nuôi cá lồng của anh Lường Văn Chùm

Thanh niên trẻ dám làm điều mới

Tại lòng hồ Thủy điện Huổi Quảng (nằm ở bản Gia, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu), anh Lường Văn Chùm tỷ mỉ kiểm tra giống cá anh mới nhập về lồng. 18 lồng cá gồm các loại khác nhau, như cá rô, cá chép, cá trắm, cá lăng… Những đàn cá tung tăng bơi lội dưới dòng nước trong xanh. Nghề nuôi cá lồng cũng là sinh kế chính của chàng thanh niên người dân tộc Thái này.

Nhớ lại thời điểm cách đây gần chục năm, anh Chùm kể, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Phú Thọ năm 2013, anh bắt đầu tìm kiếm công việc, đi làm thuê, làm mướn ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi mong muốn cho tương lai. 3 năm sau, năm 2016, anh quyết định về quê bắt đầu con đường khởi nghiệp trên chính bản làng của mình.

Nhận thấy địa phương có lợi thế từ lòng hồ Thủy điện Huổi Quảng, anh Chùm cùng một số thanh niên đã mạnh dạn góp vốn, tham mưu với cấp ủy chính quyền xã xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Huổi Quảng với khởi điểm 10 lồng cá. Năm 2017, anh quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Ta Gia với 7 thành viên cùng tham gia. Đây là thời điểm rất khó khăn, bởi vốn liếng không có, mọi công việc lại rất mới mẻ với những thanh niên ở đây.

“Ngày đầu bắt tay vào thực hiện, tôi có rất ít vốn liếng tích cóp nên phải vay Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp khoảng 220 triệu đồng để đầu tư. Cùng với đó, do thiếu kinh nghiệm việc nuôi cá trong lồng nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Cá thả nhiều vào trong lồng cùng lúc nên cũng khó tìm đầu ra vào lúc thu hoạch”, anh Chùm kể và cho hay thời điểm đó nhiều băn khoăn, lo lắng lắm. Đầu ra cho cá, mùa vụ thu hoạch… làm anh trăn trở biết bao đêm. Nhưng những khó khăn đó không làm người thanh niên này nản chí.

Anh Chùm lên rừng cắt lá chuối về cho đàn cá ăn
Anh Chùm lên rừng cắt lá chuối về cho đàn cá ăn

Trái ngọt từ sự nỗ lực

Với sự quyết tâm của tuổi trẻ, chăm chỉ, không ngừng nỗ lực, anh Chùm luôn tìm tòi, tích cực nghiên cứu áp dụng khoa học - kỹ thuật, học tập từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, trau dồi kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá.

Ngay cả những loại thức ăn của cá như cỏ voi, cây chuối, lá sắn hay ngô, gạo, đậu tương… cũng được anh Chùm tìm và chế biến một cách tỷ mỉ. Nhờ cách nuôi cá theo phương pháp truyền thống, sạch, an toàn, nên chất lượng thịt cá ngọt, săn chắc, được thị thường đón nhận.

Sau hơn 5 năm thành lập, cho đến nay, HTX do anh Lường Văn Chùm làm giám đốc đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước phát triển và nâng cao thêm thu nhập cho các thành viên. Những lồng cá lăng, cá rô phi, cá chép... đã được xuất bán, thu nhập bước đầu dần ổn định.

Từ 10 lồng cá khởi nghiệp, đến nay anh đã phát triển lên 18 lồng cho thu nhập ổn định. Với giá ổn định từ 40.000 đồng/kg cá rô, 45.000 đồng/kg cá chép, 80.000 - 100.000 đồng/kg cá lăng; mỗi năm sau khi trừ chi phí từ giống, thức ăn HTX thu về khoảng 100 - 200 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Chùm còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng cho đoàn viên và người dân trong bản, xã. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 2 mô hình khởi nghiệp thành công nhờ sự hướng dẫn của anh Chùm.

Nói về dự định trong thời gian tới, anh Chùm cho biết, trước mắt trong năm 2022 gia đình anh sẽ tiếp tục chăm sóc những lồng cá hiện có. Đồng thời, đầu tư nuôi thêm 6 lồng cá mới để mở rộng quy mô nuôi cá thịt và cá giống, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Anh Lường Văn Biên, Bí thư Đoàn xã Ta Gia cho biết, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Lường Văn Chùm, là tấm gương tiêu biểu để các đoàn viên thanh niên học tập và noi theo. Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, anh Chùm đã mạnh dạn đầu tư và tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá lồng, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Trong thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng mô hình, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó điển hình như mô hình nuôi cá lồng của anh Chùm. Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo làm giàu trên chính quê hương”, Bí thư Đoàn xã Ta Gia thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.