Lo ngại tu bổ kiểu “làm mới”
Tháng 8/2018, việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đây là công trình được xây dựng từ thế kỷ 17, với những mảng chạm tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ, nhưng đã bị phá đi và thay vào đó là một công trình kiến trúc bê tông.
Không chỉ với di tích nhỏ, cách ứng xử với di sản kiểu “phá hỏng” này cũng từng xảy ra với những công trình lớn. Đơn cử, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khi trùng tu bờ kè phía Bắc của hệ thống hộ thành hào ở mặt nam Kinh Thành Huế đã “dùng xe cuốc phá bỏ bờ kè nguyên gốc, sau đó xây mới bờ kè bê tông cốt thép” vào năm 2019.
Hay vào tháng 2/2020 mới đây, dư luận xôn xao Cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, tỉnh Nam Định), một trong 3 cầu ngói có tuổi đời hàng trăm năm (công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012) vừa bị tu sửa theo kiểu “làm mới” di tích.
Nhóm thợ xây được địa phương thuê đã trát lại vuông phẳng, sơn mới màu giả đá lên toàn bộ phần cổng Cầu Ngói chợ Thượng, làm biến mất toàn bộ phần hoa văn độc đáo, nét rêu phong, cổ kính của cây cầu hàng trăm tuổi. Sau tu sửa, cầu cổ biến thành hộp bê tông vuông vức kiểu nhà ống hiện đại. Thậm chí, có người ví phần cổng được xây giống với lăng mộ ở một số nơi.
Đó chỉ là một vài ví dụ nổi cộm trong dư luận xã hội, thế nhưng, không ai dám chắc câu chuyện này không tiếp diễn, khi mà hầu hết những di tích, di sản nằm rải rác ở các địa phương và chịu sự quản lý của chính địa phương ấy. Nguyên nhân của tình trạng này chính là sự thiếu cẩn trọng, thiếu hiểu biết về văn hóa, kiến trúc, lịch sử cùng sự buông lỏng quản lý ở nhiều địa phương. Việc trùng tu, tôn tạo di tích nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân nơi ấy và rất dễ trở thành công trình theo ý muốn của họ, bởi cho rằng chính họ công đức, đóng góp.
Tu bổ chứ không phải tu sửa
Tu bổ, tôn tạo dù chỉ là một phần hay toàn bộ di tích cần sự nghiên cứu nghiêm túc về khoa học, lịch sử chứ không thể dựa trên sự tùy tiện của cá nhân hay tổ chức nào. Ứng xử cẩu thả với di tích vô cùng nguy hiểm bởi một khi giá trị của di tích mất đi thì không tìm lại được.
Mục 13, điều 4, Luật Di sản văn hóa năm 2001 của Việt Nam định nghĩa: “Phục hồi di tích là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích”. Mục 15, điều 4, Luật Di sản văn hóa năm 2009 của Việt Nam định nghĩa: “Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.
GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống nhận định, những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa, chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình.
Các chuyên gia kiến trúc, lịch sử cũng chỉ ra rằng, tính chất đặc thù của việc tu bổ di tích, di sản là phải tôn trọng ý tưởng kiến trúc, yếu tố nguyên gốc và giá trị văn hóa hàm chứa trong kiến trúc của công trình nhằm tạo điều kiện cho khách thăm quan tiếp cận và hưởng thụ các mặt giá trị chân chính của văn hóa. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng việc xây mới và trùng tu để tránh những hậu quả đáng tíếc.