Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm giàu từ le le

PV - 14:00, 29/01/2018

Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi tìm đến ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang để chứng kiến tận mắt trên 500 con le le “vàng” mà ông Sa Lê (dân tộc Chăm) đang sở hữu. Gọi là “vàng” vì giá trị kinh tế của loại gia cầm này cao hơn gà, vịt gấp nhiều lần và nguồn cung luôn không đủ cầu.

Ông Sa Lê cho biết: “giá bán hiện nay từ 550.000 đến 600.000 đồng/con, mỗi con chỉ nặng từ 500 đến 600g, do chúng có giá trị dinh dưỡng rất cao nên các đại gia từ TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang… đặt hàng liên tục nhưng không đủ hàng bán. Năm trước tôi bán được gần 1.800 con trừ chi phí thức ăn, còn lời trên 800 triệu đồng.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi le le của ông Sa Lê có diện tích khoảng 1.000m2; ở giữa là tiểu đảo được ông trồng cỏ, xung quanh tiểu đảo là mương nước được thả lục bình để tạo bóng mát. Thức ăn chính là lúa. Để bảo vệ đàn le le khỏi bị chuột, rắn cắn, ông Sa Lê làm một cái nhà kín nhưng chỉ dùng lưới màn nhỏ bao chặt xung quanh.

Ông Sa Lê và đàn le le của mình. Ông Sa Lê và đàn le le của mình.

 

Theo lời kể của ông Sa Lê, le le có sức đề kháng rất cao, hiếm khi bị bệnh. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho người nuôi. Le le bắt đầu mùa sinh sản vào tháng 7 đến tháng 8, trung bình một con le le mái đẻ từ 10 đến15 trứng.

Nếu như trước đây, ông Sa Lê áp dụng phương pháp ấp trứng le le bằng máy ấp trứng có thời gian khoảng 28 đến 30 ngày thì hiện nay ông đã thành công khi áp dụng mô hình ấp trứng le le bằng 60 gà mái để rút ngắn thời gian ấp xuống còn 20 đến 22 ngày. Phương pháp này hiện được nhiều người nuôi le le tại khu vực ĐBSCL áp dụng.

Điều đáng quý là ông Sa Lê không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn luôn tận tình hướng dẫn mọi người xung quanh để họ cùng phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Ông U Mơ (dân tộc Chăm) hiện ngụ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang kể lại: “Thấy tui quá khó khăn, ông Sa Lê kêu xuống nhà để chỉ tui cách nuôi le le. Sau đó tui mua 50 con le le nhỏ về nuôi tại nhà, khi bán xong tui còn lời hơn 30 triệu đồng, mừng lắm. Hiện tại tui đang nuôi 100 con tại nhà, giá bán ngày càng cao, cuộc sống nhờ vậy cũng bớt khó khăn hơn rất nhiều”.

Nói về ông Sa Lê, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ấp Vĩnh Hòa đánh giá: Ông Sa Lê là tấm gương người dân tộc Chăm rất năng động, sáng tạo, hết lòng vì bà con nghèo. Ông cũng rất nhiệt tình đóng góp xây dựng thôn xóm như làm đường, cầu, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học… Vì vậy, ông luôn được bà con tín nhiệm, quý trọng.

TÔ PHỤC HƯNG

Tin cùng chuyên mục