Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Lại vấn nạn lạm thu đầu năm học

H Phúc - 19:38, 07/10/2023

Tình trạng lạm thu được "núp bóng" dưới các vỏ bọc đóng góp tự nguyện, luôn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh mỗi khi bước vào năm học mới. Đây không phải vấn đề mới nhưng cứ "đến hẹn lại lên" mỗi đầu năm học khiến cho dư luận xã hội vô cùng bức xúc.

Lại vấn nạn lạm thu đầu năm học
Lạm thu cứ "đến hẹn lại lên" mỗi đầu năm học khiến cho dư luận xã hội bức xúc.

Vừa qua, trên mạng xã hội đã chia sẻ nội dung về việc lớp 6A5 trường Trung học cơ sở Yên Biên (thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang), chi 20 triệu đồng tiền quỹ phụ huynh cho việc mua sắm cơ sở vật chất của lớp, và quà khai giảng cho nhà trường khiến phụ huynh bức xúc.

Câu chuyện thu chi đầu năm học tại một xã miền núi thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ kéo dài từ năm học trước, nhưng đến năm học này những mâu thuẫn vẫn chưa chấm dứt. Rất nhiều tài liệu về các khoản thu được cho là không hợp lý của trường Tiểu học Văn Luông, huyện Tân Sơn này đã được phụ huynh nêu ra.

 Đặc biệt, thời điểm đầu tháng 6 năm nay, khi học sinh đã nghỉ hè, nhiều khoản đóng học nộp từ đầu năm học 2022-20233 vẫn chưa được nhà trường chi đúng và chi đủ. Sau đó, nhà trường đã trả lại tiền cho 15 phụ huynh của lớp 4C. Song song với việc nhận lại tiền thu sai, phụ huynh và nhà trường đã lập biên bản, trong đó phụ huynh cam kết: Gỡ tất cả các bài đăng trong các hội nhóm; không đăng bài hoặc thắc mắc về các khoản thu, nộp của nhà trường; không làm đơn tố giác hoặc khiếu kiện đến các cơ quan chức năng.

Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) gây xôn xao khi phát ra bản dự kiến chi tiêu, với tiền quỹ cha mẹ học sinh lên đến hơn nửa tỉ đồng. Sau khi phụ huynh phản ánh, nhà trường đã phải trả lại toàn bộ kinh phí đã vận động của phụ huynh 14/35 lớp, tổng số tiền là 162.040.000 đồng. UBND huyện Thanh Trì đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh, chỉ đạo phê bình Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp; chấn chỉnh, nhắc nhở Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc tổ chức vận động quỹ Hội cha mẹ học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản số 5459/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở giáo dục, về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024. 

Bộ đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục - tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học.

Lại vấn nạn lạm thu đầu năm học 2
Tất cả các khoản thu phải được công khai đến toàn bộ phụ huynh. Trong ảnh: Buổi họp phụ huynh của Trường THPT Thanh Chương 3 (Nghệ An)

Việc đóng tiền để con cái có được những điều kiện học tập tốt nhất, là điều mà các bậc cha mẹ đều ủng hộ, tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự công khai và minh bạch để phụ huynh yên tâm rằng, tiền được chi đúng mục đích và những khoản thu tự nguyện sẽ thực chất được đóng góp từ nhu cầu của phụ huynh chứ không phải là một hình thức “tự nguyện” nhưng bắt buộc. Đặc biệt, không thể cào bằng trong đóng góp cho nhà trường, khi không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Việc lạm thu hầu như năm học nào cũng xảy ra, ngày càng biến tướng với nhiều khoản thu, chi bất hợp lý. Nguyên nhân được cho là do các quy định về thu, chi không được quy định rõ ràng nên dễ dàng bị lợi dụng để lạm thu, lạm chi, dễ dẫn đến giữa việc xã hội hóa giáo dục và lạm thu quỹ lớp được “đánh đồng” với nhau.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy dù là vụ việc xảy ra ở đâu, số tiền lạm thu bao nhiêu, thì đều có chung cách giải quyết, đó là: Thành lập đoàn kiểm tra, nghe báo cáo, họp giải trình, trả lại tiền đã thu, nhắc nhở, quán triệt…. Những hình thức xử lý này có lẽ còn quá nhẹ, không đủ răn đe hay tác động đến các nhà trường, ban giám hiệu, giáo viên nên điệp khúc bao nhiêu năm đối với vấn nạn này vẫn là “rút kinh nghiệm”.

Để loại bỏ vấn nạn này, các nhà trường phải thực sự minh bạch, rạch ròi và lấy ý kiến của đông đảo phụ huynh, phải phục vụ mục đích giáo dục, thu đúng, thu đủ. Về phía phụ huynh cần tìm hiểu kỹ tất cả quy định, các khoản thu nộp ở trong nhà trường để phát hiện những khoản thu vô lý, kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng.

Phải nói rằng. những quy định về hoạt động thu chi, đóng góp xã hội hóa giáo dục vào trường công hiện chưa đầy đủ, còn nhiều lỗ hổng để có thể tiếp nhận nguồn tài chính bổ sung này cho nhà trường. Vì vậy, chống lạm thu phải bắt đầu từ có hành lang pháp lý cho việc thu chi đúng quy định, có kiểm soát, minh bạch tài chính, cần phải có sự phối hợp từ phía nhà trường, các cơ quan chức năng và cả các bậc phụ huynh. 

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.