Theo Tiến sĩ Đào Minh Sô, có khá nhiều giống lúa màu cổ truyền còn được lưu giữ tại các cơ quan nghiên cứu, nhưng hầu hết nguồn gen lúa cổ truyền có giá trị canh tác thấp (thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp ) nên rất ít được sử dụng trực tiếp cho sản xuất.
Trong quá trình khai thác nguồn gen lúa cổ truyền để tạo ra nguồn gen lúa cải tiến đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã chọn tạo được một số dòng lúa màu cải tiến bằng phương pháp đột biến từ các giống lúa cổ truyền ở thời điểm năm 2010. Nguồn vật liệu lúa màu cải tiến này còn hạn chế về giá trị sử dụng nhưng là tiền đề đề lai tạo ra các giống lúa màu đạt giá trị canh tác và tiêu dùng như hiện nay.
Giống lúa SR20 là con lai được chọn từ tổ hợp gồm: vật liệu làm bố là một dòng lúa đỏ đột biến được phát triển từ nguồn gen cổ truyền trong nước và vật liệu làm mẹ là một dòng lúa đen thu thập ở nước ngoài. Cặp lai này được thực hiện nhằm khai thác lợi thế di truyền từ các tính trạng tốt của bố và mẹ. Công tác chọn lọc được tiến hành liên tục trong giai đoạn 2015 - 2019, xác định được một số dòng thuần lúa màu triển vọng, trong đó dòng lúa SR20 thể hiện rõ nhất về giá trị canh tác và sử dụng.
Cụ thể, SR20 thừa hưởng khá đầy đủ những ưu điểm của giống lúa bố mẹ như thời gian sinh trưởng ngắn, kiểu hình đẹp, chứa sắc tố đỏ và tím, bông chùm, năng suất cao, có ưu thế vượt trội về chất lượng so với giống mẹ (tím đen, gạo nát, cơm ướt và quá dẻo) và giống bố (đỏ, cơm khô).
Hiện nay giống lúa SR20 đã được khảo nghiệm và thử nghiệm diện rộng ở nhiều điểm tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long từ vụ Xuân Hè 2020 đến nay, và đã thể hiện được tính ổn định các ưu điểm như: ngắn ngày (92-96 ngày) năng suất khá (5-7 tấn/ha), chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt cơm rất ngon, dẻo vừa và xốp, thích hợp đa số người dùng. Thành phẩm của giống lúa SR20 có thể là gạo xát hoặc gạo lứt đều thích hợp.
“SR20 được sản xuất từ giống lúa màu, có hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao hơn nhiều lần so với gạo trắng, đặc biệt là chất sắt và anthocyanine ít được tìm thấy trong gạo trắng. Khác với các giống lúa màu khác trên thị trường chỉ hướng tới nhóm đối tượng nhỏ lẻ do giá cao, cách nấu cầu kỳ và quá khô hoặc quá dẻo, gạo SR20 thuộc dòng gạo đặc sản nhưng có thể được sử dụng hàng ngày như mọi loại gạo trắng thông thường nhờ có ưu điểm vượt trội về độ tơi xốp và chứa nhiều vi chất dinh dưỡng với giá cả hợp lý.”, Tiến sĩ Đào Minh Sô nhấn mạnh ưu điểm của giống gạo mới.
Theo Tiến sĩ Đào Minh Sô, ở góc độ thương mại, giống lúa SR20 đang được trồng với quy mô nhỏ tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) và mong muốn của nhóm nghiên cứu là có thể hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư trồng trên diện rộng để có thể đưa sản phẩm gạo có giá trị dinh dưỡng cao này đến đông đảo người tiêu dùng trong thời gian tới./.