Sát cánh cùng Nhân dân
Xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là xã biên giới có vị trí chiến lược quan trọng của huyện Mường Tè và của tỉnh Lai Châu. Xã có 9 bản đều nằm sát đường biên giới, có trên 500 hộ dân, trên 2.490 nhân khẩu, đây là địa bàn chung sống của 3 dân tộc Hà Nhì, La Hủ và Dao.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những yếu tố quan trọng để Đồn Biên phòng Thu Lũm thực hiện thắng lợi công tác biên phòng, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.
“Còn nhớ trong buổi tuyên truyền về chống xuất, nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê tại bản U Ma, xã Thu Lũm, chúng tôi đã phải dùng loa kéo, phát tờ rơi, tổ chức văn nghệ để mời bà con đến xem và nghe. Cùng với tuyên truyền về hệ lụy, nguy hại của hành vi xuất, nhập cảnh trái phép, chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền về các văn kiện pháp lý bảo vệ biên giới. Do nắm được những đặc điểm tâm lý và phong tục, tập quán của bà con, chúng tôi lựa chọn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, cụ thể và dễ hiểu nhất. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn không còn hiện tượng vượt biên trái phép”, Thiếu tá Phạm Minh Trí, chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm chia sẻ.
Không chỉ tích cực tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam, mà các chiến sẽ Đồn Biên phòng Thu Lũm còn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác bám, nắm tình hình địa bàn. Hiện, trên địa bàn đơn vị quản lý không có các nhóm đạo, không còn tình trạng tuyên truyền đạo trái pháp luật, an ninh trật tự địa bàn ổn định, được giữ vững. Đặc biệt, mô hình nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới do đơn vị và chính quyền địa phương phối hợp đã thu hút 7 tập thể và 30 cá nhân tham gia; có 9 tập thể với 45 cá nhân tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Nhân dân tại 9 bản/520 hộ thuộc xã Thu Lũm đã ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới"...
Hay tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ cũng là một trong những địa bàn có đường biên giới dài hơn 13km với 9 điểm mốc, 15 cột mốc. Đây là địa bàn rộng với trên 7.000 nhân khẩu, 4 dân tộc (Mông, Dao, Hà Nhì và Kinh) sinh sống tại 21 bản rải rác trên các triền núi cao.
Cùng với việc chủ động, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông còn thường xuyên tham gia giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới với rất nhiều mô hình trồng lúa, ngô, nuôi lợn sinh sản, bò giống; vận động, kết nối xây dựng nhà ăn, bể nước, sân chơi cho các trường học trên địa bàn trị giá gần 200 triệu đồng; nhận đỡ đầu 2 em học sinh Giàng Mì Xó (bản Can Thàng) và Lý A Phú (bản Hồ Thầu) trong chương trình “Nâng bước em tới trường”…
Trung tá Lê Văn Quyết - Đồn trưởng ĐBP Huổi Luông chia sẻ: Với nhiều hình thức và cách làm hiệu quả, chúng tôi đã luôn đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân trên các lĩnh vực. Theo đó, năm 2021, xã Huổi Luông đã được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 10,4%, thu nhập bình quần đầu người 36 triệu đồng/năm. Nhờ đó, ĐBP Huổi Luông không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, mà còn xây dựng được phên dậu vững chắc từ lòng dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã…
Nhiều mô hình, phong trào được xây dựng, phát huy
Có thể thấy, thông qua đó các hoạt động tuyên truyền nói trên của các chiến sĩ Đồn Biên Phòng tỉnh Lai Châu đã góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở các vùng biên giới bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, trong những năm qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân nơi đây.
Theo đó đã có nhiều buổi tuyên truyền về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phát động phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, phản ánh về hoạt động của bộ đội biên phòng giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị...
Đến nay đã có 90 tập thể, 159 hộ gia đình, 670 thành viên đăng ký tham gia tự quản 241,135km đường biên giới. 61 tập thể, 150 hộ gia đình, 642 thành viên đăng ký tham gia tự quản 77 mốc quốc giới, 2 công trình biên giới; 203 tổ, 1.229 thành viên đăng ký tham gia tổ An ninh trật tự bản; 17.950 hộ/18.141 hộ đã ký cam kết thực hiện Phong trào Toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xẫ hội ở khu vực biên giới; phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép... Đồng thời, triển khai có hiệu quả mô hình “Lũy tre biên thùy” và “Tiết học vùng biên”, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Có thể khẳng định, với những việc làm thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa trong quá trình tuyên truyền, dân vận khéo của lực lượng biên phòng đã góp phần giúp đồng bào nơi biên cương vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống mới, hướng tới ấm no, hạnh phúc. Và, trên hết là củng cố tình đoàn kết quân - dân, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Góp sức bảo vệ an ninh - chính trị, an toàn - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới Tổ quốc.