Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lạc Thủy (Hòa Bình): Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực

Việt Hà - Mai Hương - 18:15, 21/11/2023

Xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Thời gian qua, huyện Lạc Thuỷ (Hòa Bình) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 mà Đảng bộ huyện chú trọng chỉ đạo.

Sau khi được hỗ trợ học nghề may công nghiệp, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) được tuyển vào làm việc tại Công ty CP Lạc Thủy
Sau khi được hỗ trợ học nghề may công nghiệp, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) được tuyển vào làm việc tại Công ty CP Lạc Thủy

Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chia sẻ với chúng tôi, Ông Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy cho biết: Xã Hưng Thi có 10 thôn, xóm, 971 hộ với 3.965 nhân khẩu. Nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, với các loại cây trồng truyền thống chủ lực như: lúa, ngô, sắn, mía...

Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, xã đã xây dựng các kế hoạch, giải pháp tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao thâm canh. Tổ chức các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, đổi mới phương thức canh tác.

Theo đó, hàng năm, xã đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển 70,5 ha cây ăn quả: cam, bưởi, mít… Toàn xã có 6 trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trên địa bàn có 11 hợp tác xã (HTX) sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi hoạt động ổn định; câu lạc bộ nuôi ong mật xã Hưng Thi có 18 thành viên, nuôi hơn 800 đàn ong, cung cấp ra thị trường mỗi năm trên 11 tấn mật.

Trong năm 2023, xã đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP của địa phương là mật ong và tinh dầu sả. Trên địa bàn có 2 công ty thực phẩm, chăn nuôi, tạo việc làm cho gần 300 lao động, tăng nguồn thu cho địa phương.

Mô hình nuôi ong mật của ông Đỗ Minh Hồng, thôn Tám, xã Hưng Thi là một trong những mô hình tiêu biểu của xã Hưng Thi. Ông Hồng cho biết: Ông thường xuyên tham gia học tập nâng cao kiến thức về KHKT do huyện và xã tổ chức để áp dụng vào nuôi 80 đàn ong, lúc cao điểm lên đến 150 đàn. Nguồn thức ăn cho ong từ các loại hoa như: nhãn, keo, táo và hoa rừng… Do được tập huấn cách chăm sóc nuôi ong đúng kỹ thuật nên hiệu kinh tế mật ong mang lại đạt sản lượng cao. Bình quân mỗi năm gia đình cung cấp cho thị trường trên 1,5 tấn mật, giá bán từ 120.000 - 150.000 đồng/lít, trong đó mật ong nhãn với hương vị đặc biệt, vị ngọt sánh quyện được nhiều người ưa chuộng, bán được giá hơn, đầu ra ổn định, thị trường trong và ngoài huyện. Mô hình nuôi ong đem lại cho gia đình thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm đã trừ chi phí.

Giai đoạn 2011 - 2021, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", huyện đã tổ chức được gần 200 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4.950 lao động được đào tạo các nghề như: May công nghiệp, hàn điện, điện tử, quản trị mạng, trồng rau an toàn, chăn nuôi gà, lợn…, giải quyết việc làm mới cho trên 26.000 lao động. Tổng nguồn vốn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 4 tỷ đồng. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 60,12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,24%, dịch vụ chiếm 18,64%, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 56,15%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 21,4%.

Trên cơ sở đó, huyện đã có nhiều mô hình kinh tế khá của nông dân sau khi được đào tạo nghề và áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao, như: Mô hình liên kết nuôi gà Lạc Thuỷ giữa HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng với quy mô gần 30 vệ tinh, sản xuất 2 triệu con giống/năm, gà thịt 100 tấn/năm, giá trị hàng hoá ước đạt 31,5 tỷ đồng/năm; mô hình trang trại tổng hợp của hộ ông Trần Minh Hùng, xã Đồng Tâm quy mô 2,2 ha, gồm: 2.000 con gà Ai Cập đẻ trứng, 20 con lợn nái ngoại giống Landrace, 100 con ba ba, 500 m2 ao thả cá, 100 gốc bưởi Diễn…

Phiên giao dịch việc làm vừa diễn ra tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy.
Phiên giao dịch việc làm vừa diễn ra tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Bên cạnh việc tăng cường có hiệu quả công tác giáo dục, tư vấn nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, huyện Lạc Thuỷ còn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Coi đây là khâu then chốt nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Theo đó, để có được đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên”, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được quan tâm chú trọng và thực hiện đa dạng, nhiều loại hình đào tạo.

Ông Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND Huyện Lạc Thủy cho biết: Huyện luôn quan tâm tạođiều kiện, khuyến khích cán bộ công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn, vị trí việc làm. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ sau đại học. Mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tính đến tháng 10/2023, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thuộc huyện có 1351 đồng chí. Đa số cán bộ, công chức, viên chức đều được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, năng động, nắm bắt nhanh công nghệ thông tin. Hiện nay, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 100 %, trình độ trên thạc sỹ chiếm 17%, 100% có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên, trong đó, cao cấp gần 15%.

Công ty CP đầu tư thương mại Hà Linh (Cụm công nghiệp Phú Thành II, Lạc Thủy) giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Công ty CP đầu tư thương mại Hà Linh (Cụm công nghiệp Phú Thành II, Lạc Thủy) giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bên cạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ, huyện Lạc Thủy còn chú trọng đào tạo theo hướng lấy kinh nghiệm từ thực tiễn bằng cách luân chuyển công tác nhằm giúp cán bộ luân chuyển, điều động phát huy năng lực công tác, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ trưởng thành qua thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy nhạy bén, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Những kết quả đạt được trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành tiền đề vững chắc để Lạc Thuỷ phát triển bền vững, toàn diện. Năm 2020, huyện Lạc Thuỷ đạt chuẩn nông thôn mới; đến hết tháng 10/2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,50%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 83,6 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Trung Kiên, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện cho biết: Phát triển nguồn nhân lực được huyện xác định là khâu đột phá chiến lược. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực. Trong đó chú trọngquan tâm hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, thu hút đầu tư để hoàn thiện về cơ sở vật chất trường lớp; chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng cho học sinh; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề; tìm kiếm, hợp tác với các địa phương có nhu cầu về lao động để đưa lao động của huyện đi làm việc, coi trọng xuất khẩu lao động vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa tạo điều kiện cho việc tiếp cận công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng lao động; phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60% vào năm 2025.

Chú trọng phát triển nhân lực qua việc đào tạo gắn với sử dụng và trọng dụng nhân tài. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đảm bảo lao động kỹ thuật cho các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.