Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hòa Bình: Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Việt Hà - Mai Hương - 18:27, 07/11/2023

Trong những năm qua, nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS luôn được các cấp ủy, các ngành, các cấp tỉnh Hòa Bình quan tâm. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Cấp uỷ, chính quyền xã Yên Phú (Lạc Sơn) gần gũi cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn
Cấp uỷ, chính quyền xã Yên Phú (Lạc Sơn) gần gũi cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn

Chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS ngày càng được nâng lên

Tại huyện Tân Lạc, địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, xác định cán bộ là gốc của mọi công việc, cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã dành nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án, đặc biệt là từ Chương trình MTQG 1719 để đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ vùng dân tộc. 

Ông Bùi Tiến Lực, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: Cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) người DTTS chiếm trên 45% tổng số CB, CC, VC toàn huyện. Thực hiện hướng dẫn của Tỉnh uỷ về Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện nghiêm việc đánh giá chất lượng cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, đảm bảo chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cơ sở. Trong đó, ưu tiên cán bộ vùng DTTS, cán bộ thuộc địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Dù mới 25 tuổi, nhưng anh Đinh Văn Doanh, dân tộc Mường, ở xóm Bương Bái, xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc) đã được Nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng xóm Bương Bái. Không chỉ là "cánh tay nối dài” của cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, anh Doanh còn là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Anh Doanh cho biết, có được sự tín nhiệm đó là nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt là các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ vùng DTTS ở cơ sở. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bản thân luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại thôn, xóm. Từ phong trào của Đoàn Thanh niên, được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về công tác dân vận, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở do huyện tổ chức. Qua các lớp đào tạo, bản thân anh thấy rất bổ ích vì được nghiên cứu, học tập nhiều chuyên đề hay, phục vụ trực tiếp cho công việc của mình tại thôn, xóm. Từ lý luận áp dụng vào thực tiễn đã giúp anh triển khai công việc một cách khoa học, hiệu quả hơn.

Hay như chị Bùi Thị Niêm, dân tộc Mường ở xã Xuất Hóa (huyện Lạc Sơn) là một trong những người cán bộ trẻ tiêu biểu của phòng Thống kê UBND xã Xuất Hóa. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2015, chị Bùi Thị Niêm về địa phương cống hiến nhiệt huyết, trí tuệ, sức trẻ. Sau 8 năm công tác, thành quả mà chị gặt hái được chính là sự ghi nhận, đánh giá, động viên, khen thưởng của các ngành, các cấp; hoạt động an sinh xã hội ngày càng thu được nhiều kết quả tốt đẹp. 

Theo báo cáo của Phòng Nội vụ huyện Lạc Sơn, đội ngũ (CB, CC, VC) người DTTS chiếm trên 77,7% tổng số CB, CC, VC trên toàn huyện. Cán bộ DTTS có trình độ trên đại học chiếm 1,01%; đại học chiếm trên 62,7%; cao đẳng chiếm trên 35%. Hàng năm, có khoảng 85% cán bộ được bồi dưỡng cập nhật kiến thức. Huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ được học tập, nâng cao trình độ để nâng cao chất lượng công vụ.

 Hòa Bình luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nguồn nhân chất lượng lực cho địa phương
Hòa Bình luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nguồn nhân chất lượng lực cho địa phương

Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ DTTS

Nhiều năm qua, việc quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được các cấp, các ngành của tỉnh chú trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS có nhiều chuyển biến tích cực từ cấp xã tới cấp tỉnh; tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ. 

Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, bảo đảm tỷ lệ CB, CC, VC người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa bàn, cơ quan là mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết lãnh đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng đồng bào DTTS. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng DTTS và miền núi.

Đến nay, toàn tỉnh có 14.986 CB, CC, VC, triong đó trên 51% là người DTTS. Cán bộ DTTS có trình độ trên đại học chiếm 1,5%; đại học chiếm trên 87%; cao đẳng chiếm trên 5,4%. Hàng năm, có khoảng 1.500 cán bộ được bồi dưỡng cập nhật kiến thức. Đặc biệt, với nguồn lực đầu tư từ Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Kế hoạch đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với tổng nguồn vốn hơn 69 tỷ đồng.


Cán bộ người DTTS xã Miền Đồi (Lạc Sơn) ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.
Cán bộ người DTTS xã Miền Đồi (Lạc Sơn) ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, từ nguồn vốn chương trình, Ban Dân tộc phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ mở các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho 200 người bồi dưỡng kiến thức dân tộc và đào tạo nghề cho 26.150 lượt người vùng DTTS và miền núi, góp phần giải quyết việc làm, ổn định sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc.

Song song với mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS, tỉnh chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ cấp cơ sở ở vùng đông đồng bào DTTS. Năm 2022, với nguồn kinh phí gần 1 tỷ đồng, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp các sở, ngành mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ vùng đồng bào DTTS, trong đó ưu tiên cho cán bộ cấp cơ sở, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai các cấp 2.391 lượt người. Ngoài các lớp bồi dưỡng kiến thức trực tiếp, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp triển khai thực hiện tốt chính sách cấp báo, tạp chí cho cán bộ vùng DTTS và miền núi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật đến với cán bộ, Nhân dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người DTTS là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực nghiệp vụ để góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng phát triển.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.