Với hơn 120 nghệ sĩ tham gia hỗ trợ công tác chống dịch, họ là những đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, nhiếp ảnh gia, họa sĩ, hoa hậu, người mẫu, người dẫn chương trình… từ khắp nơi trong thành phố nhưng có cùng chung một suy nghĩ “là nghệ sĩ không góp sức cho thành phố lúc này thì đóng góp lúc nào!".
Từ dọn dẹp vệ sinh đến lấy mẫu xét nghiệm
Những ngày thành phố hối hả chuẩn bị khu cách ly, bệnh viện dã chiến cho hàng ngàn ca F0, F1, cũng là những ngày các nghệ sĩ chạy bất kể ngày đêm đến khu Đại học Quốc gia TP.HCM, bệnh viện dã chiến trên khắp thành phố để dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, chuẩn bị một số vật dụng cần thiết để người dân đến cách ly, điều trị có nơi ở sạch sẽ, tươm tất. Và như đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ: “Đi tình nguyện không phải để đánh bóng tên tuổi, trước khi trở thành một người nổi tiếng hay người nào đó, bạn phải là công dân tốt đã, tôi tham gia tình nguyện vì lý do đó”, cứ như thế họ đã xắn tay vào những việc mà trước nay người nghệ sĩ chưa từng phải đụng tới, họ đi vào phục vụ trong vùng tâm dịch với sự nhiệt tình và thái độ nghiêm túc, góp một phần đáng kể trong cuộc chiến gian nan mà đầy nghĩa tình của thành phố.
Ca sĩ Đăng Nguyên, Quán quân “Ban nhạc quyền năng”, trước giờ chỉ biết ca hát, nhưng từ khi nhận nhiệm vụ, được giao việc gì anh cũng làm vui vẻ nhiệt tình, không những thế, Đăng Nguyên còn “rủ” bà xã là ca sĩ Ngọc Hà cùng đi tình nguyện từ đầu dịch đến hôm nay. Khi hỏi làm những việc như thế có vất vả không? Anh vui vẻ nói: “Khi thấy các anh dân quân quá vất vả, y bác sĩ vừa làm chuyên môn lại vừa phải làm những việc linh tinh nên mình rất vui khi giúp được một tay cho anh em có thời gian nghỉ ngơi để ăn cơm hay uống nước. Dù ở nhà không phải lau nhà, nhưng vào đây tụi mình phải lau bằng giẻ, nhưng rồi cũng quen”.
Khi các khu cách ly, bệnh viện dã chiến đã hình thành ổn định, đội hình được điều động sang hỗ trợ xét nghiệm và tiêm ngừa, lúc đầu các thành viên của đội chỉ điều phối, hỗ trợ thủ tục hành chính, dần về sau khi việc xét nghiệm diện rộng cần nhiều nhân viên, đội hình đã được các bác sĩ tập huấn công tác lấy mẫu, và rồi những nghệ sĩ đã trở thành kỹ thuật viên bất đắc dĩ, vì có thời gian dài theo hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu nên việc này không khó khăn lắm, thậm chí còn làm rất “êm”.
Ca sĩ Ngọc Hà tâm sự, “có lần đi lấy mẫu tại chung cư, khi biết đội hình lấy mẫu toàn nghệ sĩ và làm việc rất khoa học, người dân rất hài lòng, vui vẻ, lúc về cả đội được bà con tặng cho trái cây ăn tẩm bổ, có lúc thì được bà con cho trái dừa, chai nước, việc nhỏ vậy thôi nhưng đầy ấp nghĩa tình, đã níu kéo chúng tôi tiếp tục đi tình nguyện”. Trong những buổi xét nghiệm hay chích ngừa, các anh em nghệ sĩ không quản ngại hỗ trợ người già và người tàn tật, có khi phải cõng họ đến ghế ngồi, đẩy xe lăn, che dù, giúp làm thủ tục... với thái độ rất nhẹ nhàng nên chưa bao giờ bị phàn nàn hay khó chịu từ người dân, ngược lại họ còn được nhận những tình cảm yêu mến nhiều hơn.
Khi thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực phẩm chỉ được cung ứng qua nhà cung cấp, người dân không được đi mua trực tiếp, các siêu thị tồn hàng ngàn đơn đặt hàng, đội tình nguyện nghệ sĩ đã nhanh chóng điều lực lượng đến các siêu thị để đi chợ giúp dân. Ban đầu, nhiều nghệ sĩ còn bỡ ngỡ trước những món hàng người dân đặt mua nhưng dần cũng quen, nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khi các nam nghệ sĩ phải đi mua những mặt hàng phụ nữ, trẻ sơ sinh…
MC Phùng Thế Phi cho biết: “Lần đầu tiên làm những việc này, mình không thấy ngại khi phải mua những món đồ cho phụ nữ, trẻ sơ sinh mà việc này còn giúp mình có thêm kinh nghiệm, nhưng đi chợ thay là một việc khó hơn là mình tưởng, vì những món hàng đó không có sẵn trong đầu mình, nhưng không sao, giúp được bà con lúc này là vui rồi”.
Mang lời ca để giải tỏa căng thẳng, bớt lo âu
Trong những lần được giao nhiệm vụ đi tặng quà, trang thiết bị y tế cho y bác sĩ và các lực lượng tuyền đầu ở khu điều trị và khu cách ly, các bác sĩ và nghệ sĩ thường chia sẻ với nhau những tâm tư tình cảm, từ đó trở nên đồng cảm với nhau, vì vậy mà sau những buổi tặng quà anh chị em nghệ sĩ thường ở lại cắt tóc và ngẫu hứng hát tặng y bác sĩ cùng nhân viên nơi đây những bài hát theo yêu cầu như một cách giải tỏa nỗi nhớ nhà, một sự động viên, chia sẻ với y bác sĩ. Một sân khấu dã chiến, không kịch bản, không ánh đèn, không âm thanh hoành tráng, không có những bộ trang phục đẹp, mà ở đó chỉ có tấm lòng của những người nghệ sĩ dành cho y bác sĩ và bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 tâm sự: “Chúng tôi ở đây thực hiện nhiệm vụ một thời gian dài trong điều kiện căng thẳng, vì vậy khi có các anh chị nghệ sĩ đến mang lời ca tiếng hát giúp chúng tôi giảm stress, được trải lòng mình qua những bài hát và quan trọng hơn là chúng tôi cảm nhận được sự chia sẻ của các anh chị em nghệ sĩ dành cho chúng tôi bằng tình cảm rất chân thành”.
Đến nay có hơn 10 buổi biểu diễn đã diễn ra trong tình cảm ấm áp như thế. Nhắc đến một lần biểu diễn nhiều cảm xúc nhất, ca sĩ Quốc Đại nhớ lại trong một lần đến thăm tặng quà và hát tặng các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 4, trong cơn mưa bất chợt tưởng chừng đâu rất lạnh lẽo, nhưng cả khu bệnh viện như được hâm nóng bởi những bài hát tryền lửa của những ca sĩ: Quỳnh Hoa, Quốc Đại, Phương Thanh, Ngọc Linh, Trúc Lai, Lê Minh, Tánh Linh... Trong lúc đang hát phục vụ được vài bài thì các bác sĩ phải quay lại công việc nhận bệnh nhân mới.
Trước khi đoàn chi tay, bất ngờ các bác sĩ tại đây đã đề nghị các nghệ sĩ hãy cùng nhau hát bài Quốc ca để tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng y tế. Một đề nghị tưởng chừng như rất khác lạ với những yêu cầu tinh thần nhưng đó lại chính là món tinh thần cao nhất mà các bác sĩ muốn được tiếp sức tại đây. Không ai nói ai, bác sĩ và nghệ sĩ đã đứng xếp thành nhiều hàng thẳng lối, không có cột cờ, không có quốc kỳ, mọi người vẫn đưa tay, ngước về phía mặt trời trước mặt, ngẫng cao đầu chào. Giây phút ấy như lắng đọng lại, thời gian như ngừng lại để những trái tim yêu Tổ quốc cất tiếng. “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”. Đến đây, nước mắt của một số người đã rơi. Giọt nước mắt của lòng tự hào dân tộc, của tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, của sự hy sinh từ bao thế hệ. Cảm xúc dâng trào khó tả, ca sĩ Quốc Đại xúc động: “Tôi chưa bao giờ hát Quốc ca trong hoàn cảnh như thế này, chưa bao giờ nước mắt tôi rơi khi đang hát mà không thể kìm lại, có lẽ chỉ có Tổ quốc này mới cho tôi được cái cảm giác yêu thương và tự hào như thế”.
“Những trải nghiệm không bao giờ quên và không bao giờ muốn lặp lại!”
Ngày Trung thu năm nay có hơn 1.500 trẻ em bị mồ côi cha, mẹ do Covid-19, và hàng ngàn em đang điều trị tại bệnh viện, vì vậy anh chị em nghệ sĩ đã cùng nhau quyết tâm đem đến cho các em một ngày trung thu thật ấm áp để bù đấp những mất mát, đau thương mà các em đang trãi qua.
Đêm hội trăng rằm được Thành Đoàn TP.HCM đứng ra tổ chức cho các em tại Bệnh viện dã chiến số 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, nơi có nhiều trẻ em đang điều trị. Trong điều kiện đi lại và không ai mua bán các nghệ sĩ phải tất bật chạy đi tìm lục lại những đạo cụ để cho các em thưởng thức những tiết mục đầy màu sắc và vui nhộn, ngược xuôi tìm kiếm cũng có được 2 con lân nhưng nhỏ xíu, lúc này lại không có diễn viên múa lân, thế là ca sĩ ST Sơn Thạch, MC Phùng Thế Phi trở thành chú lân vui vẻ liên tục múa, nhảy cho các em vui, Hoa hậu H’Hen Niê và MC Nguyên Khang trở thành diễn viên phụ diễn xiếc bất đắc dĩ của nghệ sĩ xiếc Minh Mẫn, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng không chỉ hát mà còn biểu diễn nhào lộn cho các bé xem, nghệ sĩ xiếc Hiển Phước, Thanh Hoa và Mr Vui liên tục làm cho các em vô tay tán thưởng và la hét vì hồi hộp, sung sướng khi được xem xiếc trực tiếp, được nhận quà với đầy đủ bánh kẹo và lồng đèn.
Nhìn các em vui mà nghệ sĩ rưng rưng nước mắt vì thương các em còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, hoa hậu H’Hen Nie tâm sự: “Mùa trung thu năm nay hết sức đặc biệt, vì vậy anh em nghệ sĩ mong muốn bù đắp cho các em nhiều hơn nữa để phần nào an ủi các em và cả ba mẹ, gia đình các em. Trong dịch bệnh trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất,nhiều hoàn cảnh trẻ mồ côi cha, mẹ, không nơi nương tựa rất cần sự chung tay của toàn xã hội và mạnh thường quân, H’Hen mong rằng qua sự kêu gọi của các nghệ sĩ sẽ có nhiều mạnh thường quân tiếp tục nhận bảo trỡ cho các em, riêng H’Hen đã nhận bảo trợ cho 1 em đến năm 18 tuổi. H’Hen sẽ cố gắng dành nhiều thời gian để đến thăm, động viên cháu chứ không chỉ là tài chính”. Cũng thông qua chương trình “Thành phố 18 giờ”, nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ đã kêu gọi nghệ sĩ chung tay chăm lo cho các em thiếu nhi mồ cô cha, mẹ do covid và đã có 130 em được các nghệ sĩ thành phố nhận bảo trợ đến năm 18 tuổi.
MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên, người được giao nhiệm vụ phụ trách đội hình nghệ sĩ tình nguyện viên bộc bạch: “Tất cả những nghệ sĩ tham gia tình nguyện viên đa phần là những nghệ sĩ trẻ, rất có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và có tình yêu đặc biệt với thành phố này. Những ngày tháng qua là những trải nghiệm không bao giờ quên và không bao giờ muốn lặp lại. Khi tham gia tình nguyện viên điều chúng tôi mong muốn là góp một phần nhỏ bé để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và san sẻ những vất vả của y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu”.
Trong chương trình nghệ thuật giao lưu đặc biệt trực tuyến “Nối vòng tay lớn” tối 26/9/2021,Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu: “Trên thế giới có hàng triệu người bệnh, vẫn đang chống chọi từng giờ, từng phút để giành giật sự sống, ám ảnh hơn là có hàng triệu người đã ra đi do dịch bệnh, để lại nỗi đau không gì bù đắp được cho người thân, gia đình, bạn bè, nhưng trong thời khắc khó khăn đó lại có những bài hát, những giai điệu ấm áp tình người vang lên khắp toàn cầu. Âm nhạc có ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là sự lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực, là liều thuốc tinh thần làm vơi đi nỗi buồn, thắp sáng niềm tin, gieo niềm hy vọng, chia sẻ yêu thương, kết nối trái tim với trái tim, con người với con người”.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp lời: “Như Thủ tướng đã nói, dịch bệnh đã chia cắt tình cảm của con người, trước đau thương chúng ta không gục ngã, âm nhạc là một phương thức hàn gắn, góp phần chữa lành nỗi đau của chúng ta… ngôn ngữ âm nhạc đã nối liền tâm hồn mỗi chúng ta”, điều đó càng khẳng định hơn việc làm của những nghệ sĩ hôm nay chính là liều thuốc tinh thần cần thiết, quý giá đưa chúng ta lạc quan vượt qua dịch bệnh.
“Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người ...”, trong sân bệnh viện dã chiến, những bài hát vẫn đang vang lên và những giọt nước mắt của y bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và nghệ sĩ đã rơi vì ấm áp, vì họ cảm nhận được tình người nơi tuyến đầu chống dịch đang hiện diện quanh đây, nơi mà những người đang hy sinh tình riêng, bỏ qua những nhu cầu cá nhân, gửi lại những tháng ngày yên ả để xông pha nơi tuyến đầu cùng nhau chống dịch sớm đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, nơi mà nghệ sĩ không chỉ là nghệ sĩ mà họ đã là người chiến sĩ thật sự, góp một phần nhỏ bé vào công tác chống dịch đầy cam go của thành phố.
Mai đây, khi thành phố đã bình yên trở lại, những ngày tháng đã đi qua hôm nay sẽ là những ký ức không bao giờ quên. Họ đã cống hiến tuổi xuân đầy ý nghĩa và có cả sự hy sinh trong đó, đó chính là sứ mệnh của người nghệ sĩ “nghệ thuật vị nhân sinh” trong thời đại hôm nay./.