Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn do Covid-19: Cần điều chỉnh đối tượng cho phù hợp

N. Anh (T/h) - 15:41, 03/09/2021

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa ban hành quyết định bổ sung kinh phí năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc Sở để thực hiện hỗ trợ đối với viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Đây là đợt hỗ trợ nằm trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đợt này, nhiều nghệ sĩ có kinh tế khá giả cũng được nhận tiền hỗ trợ khiến dư luận bức xúc vì việc triển khai chính sách hỗ trợ chưa sát và đúng đối tượng.

Diễn viên Thanh Hương có điều kiện kinh tế rất khá giả nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Diễn viên Thanh Hương cho biết, chị sẵn sàng gửi lại Nhà hát số kinh phí chị được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 để dành cho các nghệ sĩ khó khăn hơn

Nhiều nghệ sĩ bất ngờ được nhận tiền trợ cấp

99 viên chức của 6 nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long được hỗ trợ mỗi người 3.710.000 đồng.

Đáng chú ý, danh sách nhận trợ cấp lần này có nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trên truyền hình, trong đó có cả những doanh nhân giàu có, như: Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh, Thanh Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội) và một số gương mặt quen thuộc khác.

Các nghệ sĩ này khi được hỏi đều có chung chia sẻ là họ rất bất ngờ khi nhận được khoản trợ cấp này. Nghệ sĩ Thanh Hương cho biết chị chỉ vừa biết mình được… trợ cấp khi đọc tin tức.

Đánh giá gói hỗ trợ kịp thời và nhân văn, nhưng Thanh Hương cho biết chị sẵn sàng gửi lại Nhà hát phần chị được hỗ trợ để dành cho các nghệ sĩ khó khăn hơn.

Nam diễn viên Hồng Đăng có điều kiện kinh tế rất khá giả vẫn được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ
Nam diễn viên Hồng Đăng có điều kiện kinh tế rất khá giả vẫn được nhận kinh phí từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ

Nghệ sĩ Hồng Đăng cũng có chia sẻ tương tự. Anh cho rằng số tiền này cũng sẽ giúp nhiều đồng nghiệp của anh tháo gỡ được những khó khăn trước mắt và tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.

Việc anh có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ, theo Hồng Đăng, đó là một sự động viên rất lớn dành cho anh, nhưng số tiền này nam diễn viên sẽ gửi lại cho nhà hát anh công tác để chia sẻ với các anh chị em làm công tác hậu đài đang gặp khó khăn.

Nam diễn viên của phim Hướng dương ngược nắng cho biết, thời gian qua anh đã cùng một số bạn bè thầm trao quà, giúp đỡ những người lao động nghèo đang gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách ở Hà Nội.

Chính sách cần trao đúng đối tượng

Là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi các "nghệ sĩ giàu" nhận hỗ trợ khó khăn do COVID-19 nói trên, NSND Trung Hiếu thừa nhận, danh sách nhận trợ cấp lần này gồm nhiều người chưa đến nỗi khó khăn quá. Trong khi đó, nhiều người làm công tác hậu đài như: thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang… có đời sống khó khăn hơn thì lại không thuộc diện được nhận hỗ trợ.

NSND Trung Hiếu cho biết, đã có đơn đề xuất với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội xem xét lại việc hỗ trợ cho đúng đối tượng hơn, và Sở cũng cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến và đề xuất điều chỉnh.

Việc nảy sinh bất cập là khi áp dụng vào thực tế, hỗ trợ chưa thật trúng, đúng, sát đối tượng. Một lãnh đạo nhà hát thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng cùng nhận định rằng, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ hiện nay quy định cứng. Thực tế cho thấy, có những nghệ sĩ viên chức hạng IV đúng là bậc lương thấp nhất nhưng những người sắp nghỉ hưu thì lương của họ không thấp và qua nhiều năm tích lũy, họ có đời sống tương đối ổn định.

Trong khi đó, có những nghệ sĩ tuy hưởng lương viên chức hạng III nhưng mới ra trường nên lương rất thấp. Nhiều người từ tỉnh lẻ đến, phải thuê nhà, kinh tế thật sự khó khăn. Nhân viên hậu đài mới là những người có thu nhập thấp nhất ở nhà hát và ít có cơ hội thu nhập ngoài lương.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói gì?

Liên quan câu chuyện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội duyệt danh sách hỗ trợ cho nghệ sĩ khó khăn vì dịch COVID-19 trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ chưa đúng dối tượng, chiều 2/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã trả lời báo chí.

Ông Đông khẳng định, trong hơn 2.000 nghệ sĩ được hỗ trợ lần này, hầu hết là đúng đối tượng, vài cái tên nghệ sĩ khá giả nhận hỗ trợ chỉ là con số rất nhỏ. Việc hỗ trợ chưa đúng đối tượng này chủ yếu là do khâu thực hiện chính sách chưa được kỹ lưỡng từ phía cơ sở, chưa chú ý kỹ tới văn bản hướng dẫn thủ tục, chứ không phải nằm ở chính sách chung.

Còn ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - khẳng định, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ viên chức hạng IV gặp khó khăn vì COVID-19 là cần thiết, có ý nghĩa rất lớn trong việc khích lệ, động viên tinh thần với các nghệ sĩ hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, xảy ra trường hợp trao hỗ trợ cho một số nghệ sĩ khá giả có nhà lầu, xe hơi, chỉ là một vài trường hợp hãn hữu, cá biệt.

Để tránh những trường hợp hỗ trợ chưa đúng đối tượng, các đơn vị nghệ thuật, cơ quan quản lý địa phương hoàn toàn có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để rà soát, trình danh sách nghệ sĩ cần hỗ trợ sao cho đúng đối tượng nhất.

Về đề xuất của các nhà hát, xin hỗ trợ cho những người làm phục trang, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, ông Tuấn cho biết, tới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ nghiên cứu, rà soát các trường hợp lao động khó khăn thuộc mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức mà các bộ ngành khác đang quản lý để đề nghị hỗ trợ cho phù hợp.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, đơn vị này đang tiếp tục triển khai, lên danh sách, báo cáo và xin ý kiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất về số lượng, danh sách đối với các đối tượng thụ hưởng là viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thuộc cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn TP. Hà Nội trực thuộc Bộ quản lý. Theo đó, số lượng nghệ sĩ thuộc diện xem xét hỗ trợ đến nay có 302 người.

Công chúng đang chờ đợi cơ quan quản lý có điều chỉnh kịp thời trong việc rà soát, xem xét đối tượng nghệ sĩ được hỗ trợ. Nếu không, với những danh sách được xét duyệt tiếp theo, sẽ không biết có bao nhiêu câu chuyện bi hài nữa xảy ra, người được hỗ trợ thì không cần và không muốn, người cần được hỗ trợ thì không biết xin ở đâu!

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.