Với ca từ giản dị nhưng chất chứa tình yêu quê hương, niềm tự hào và một tinh thần Việt Nam kiên cường, những ca khúc mang tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã phần nào xoa dịu khó khăn, mất mát, động viên, khích lệ tinh thần của mọi người, đặc biệt với các lực lượng trên tuyến đầu.
Quê hương, Tổ quốc vẫn là đề tài lớn
Những ca khúc cách mạng bất hủ được ra đời một cách thần tốc có thể kể đến Mười chín tháng Tám của cố nhạc sĩ Xuân Oanh viết xong trong một buổi sáng; Qua miền Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Thành, được ông hoàn thành ngay trong ngày hành quân lên Tây Bắc, trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ; thức trắng đêm 7/5/1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết nên ca khúc Chiến thắng Điện Biên; hay Tiến bước dưới quân kỳ của nhạc sĩ Doãn Nho hoàn thiện trong hai ngày... Trong thời bình, đặc biệt là những ngày, tháng chống dịch vừa qua, đã có hàng loạt ca khúc ra đời để cổ vũ tinh thần toàn dân, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, yêu nước thương nòi, điều này cho thấy quê hương, Tổ quốc vẫn là một đề tài lớn mà các nhạc sĩ ấp ủ, chỉ chờ thời điểm thích hợp là cảm xúc tuôn trào.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch diễn biến phức tạp khó lường, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, giới văn nghệ sĩ cả nước đã có nhiều đóng góp tích cực. Từ tháng 4/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng, chống Covid-19 và đã nhận được trên 200 tác phẩm. Hội đã tuyển chọn 100 tác phẩm để xuất bản một tập ca khúc với tiêu đề Niềm tin và sau đó xây dựng chương trình nghệ thuật online với tên gọi Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của công chúng.
Khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, đặc biệt là ở TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam… Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc và chỉ hơn một tuần cuối tháng 7/2021, Hội đã nhận được trên 400 ca khúc gửi về. “Đây là một con số rất lớn trong một thời gian ngắn, điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và sự nhiệt tình của các nhạc sĩ đối với công cuộc chống dịch. Hội đồng Nghệ thuật đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, cùng các nghệ sĩ: NSND Quốc Hưng, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương…”, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết.
Bằng trách nhiệm và rung cảm trước hiện thực đời sống, các nghệ sĩ đã và đang cho ra đời những tác phẩm phong phú, vừa tuyên truyền hiệu quả, vừa đem đến món ăn tinh thần ý nghĩa cho nhân dân. Chương trình Cháy lên nằm trong chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến, với chủ đề San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch do Bộ VHTTDL chỉ đạo tổ chức, NSƯT, nhạc sĩ Đỗ An đã thể hiện sáng tác mới của mình với tựa đề Chiến binh nhỏ. Ca từ nồng ấm, giai điệu đẹp đẽ, nhẹ nhàng của ca khúc đã để lại ấn tượng với khán giả.
Với tinh thần sẻ chia, mỗi ca khúc đã truyền tải tâm tư, tình cảm của các lực lượng nơi tuyến đầu; nói lên nỗi niềm của những người đã và đang trải qua ngày tháng chiến đấu với dịch bệnh; kêu gọi mọi người nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm quy định 5K. Có thể kể đến nhạc sĩ Xuân Trí với Việt Nam chống dịch vang danh (lời Phạm Thuyên), Toàn dân đoàn kết chống dịch, Việt Nam rạng rỡ hoan ca, Tự hào Việt Nam; Cảm ơn những trái tim yêu người do nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Phạm Việt Tuân sáng tác, ca sĩ Tùng Dương và rapper Ram C thể hiện; Đồng lòng Việt Nam do nhạc sĩ Tuấn Hồ sáng tác với sự tham gia của các ca sĩ Đan Trường, Trọng Tấn, Lan Anh cùng gần 40 ca sĩ; Sức mạnh Việt Nam của nhạc sĩ Xuân Bình; Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay do nhạc sĩ Kiên Ninh trên lời thơ của Vũ Văn Ngọc; Mong sao hết dịch (Nguyễn Văn Chung); Cố lên, cố lên (Dương Khắc Linh)…
Đặc biệt, năm 2020, video vũ đạo rửa tay Ghen Cô Vy của nhạc sĩ Khắc Hưng, vũ đạo Quang Đăng đã lan tỏa khắp toàn cầu nhờ tinh thần lạc quan, vui tươi và tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng. Điệu nhảy được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vinh danh; UNICEF và Bộ Y tế Việt Nam đã mời Quang Đăng làm đại sứ trong chiến dịch truyền thông về phòng chống virus Corona… Năm nay, Vũ điệu 5K do nhạc sĩ Bùi Công Nam sáng tác với lời bài hát vui tươi, gần gũi, các ca sĩ trẻ được yêu mến thể hiện cũng tạo sức hút không kém.
Mạnh mẽ và đồng lòng ở mọi thời điểm
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, thời nào cũng vậy, âm nhạc với sức mạnh lan tỏa nhanh nhạy và sâu rộng trong công chúng, luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường. Đặc biệt ấn tượng với hình ảnh các y bác sĩ, tình nguyện viên lên đường vào tâm dịch, dựa trên bài thơ Việt Nam chống dịch vang danh của tiến sĩ Phạm Thuyên, nhạc sĩ Xuân Trí đã rất nhanh cho ra đời ca khúc cùng tên. “Thật xúc động khi thấy những đoàn quân tình nguyện từ khắp mọi miền Tổ quốc hướng về miền Nam thân yêu! Tôi đã liên tưởng đến hình ảnh các chiến sĩ năm xưa thần tốc vào chi viện cho miền Nam và kháng chiến thắng lợi. Cuộc chiến chống Covid-19 còn dài, nhưng với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ, cùng với sự đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, ý thức trách nhiệm của những người dân thì Việt Nam sẽ sớm chiến thắng đại dịch”, nhạc sĩ Xuân Trí chia sẻ.
NSND Quốc Hưng cho biết, ca khúc Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay đến với anh và nhạc sĩ Kiên Ninh một cách rất tình cờ. “Thật bất ngờ vào một ngày mới đây, khi nhận được bài thơ của anh Vũ Văn Ngọc, một người bạn của tôi đang làm Chủ tịch xã Dị Sử (Mỹ Hào, Hưng Yên) và là chỉ huy của một chốt trực của xã. Trong một giây phút nghỉ ngơi tĩnh lặng, anh nhớ đến vợ con và bài thơ Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay đã ra đời. Nhận được bài thơ, tôi có nhiều cảm xúc và đã điện ngay cho nhạc sĩ Kiên Ninh gửi gắm, với mong muốn sẽ có một ca khúc mới”, NSND Quốc Hưng tâm sự. Có thể nói, Kiên Ninh đã “chạm” cảm xúc ngay ở câu thơ đầu tiên: Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay. “Câu thơ chứa đựng tình yêu sâu đậm của đôi vợ chồng trẻ, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình yêu với đất nước. Vì thế, chỉ mất một buổi, ca khúc cùng tên Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay ra đời”, nhạc sĩ Kiên Ninh chia sẻ.
Những tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc, có giá trị nghệ thật cao sẽ là một sự tiếp nối giữa các thế hệ nhạc sĩ tiền bối với những thế hệ nhạc sĩ trẻ với những ngôn ngữ âm nhạc mới, hiện đại, chuyển tải được những nội dung mang tính thời đại, tiếp nối được truyền thống… Và sau khi dịch bệnh qua đi thì những tác phẩm có giá trị vẫn sẽ đọng lại, như một minh chứng cho tinh thần, văn hóa con người Việt Nam trong những thời khắc khó khăn của đất nước. /.