Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ vọng trước mùa Xuân

Khánh Thư - 14:22, 20/01/2020

Những ngày này, đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc đang hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Tâm thế phấn khởi đón Xuân mới của đồng bào các dân tộc bắt đầu từ những thành tựu quan trọng và toàn diện của đất nước nói chung, vùng DTTS nói riêng trong năm 2019; đồng thời cũng xuất phát từ kỳ vọng lớn lao về sự phát triển đột phá của toàn vùng trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng đồng bào các dân tộc, vùng DTTS và miền núi sẽ phát triển toàn diện. (Trong ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, thứ hai từ phải sang, dự và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Vòm Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng đồng bào các dân tộc, vùng DTTS và miền núi sẽ phát triển toàn diện. (Trong ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, thứ hai từ phải sang, dự và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Vòm Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).

Năm mới Canh Tý 2020 được đón chào trong không khí thực sự lạc quan, với niềm tin mãnh liệt vào bước phát triển mới của đất nước. Ngày cuối của tháng 12/2019, Tổng cục Thống Kê đã đem đến tin mừng khi công bố mức tăng trưởng của nền kinh tế nước ta năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra (6,6-6,8%), là năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt trên 7% (năm 2018 đạt 7,08%).

Những chỉ số cụ thể trong từng lĩnh vực cũng đã điểm tô thêm gam màu tươi tắn cho bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta. Đó là: hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm xuống dưới 4%, giảm 1,35% so với năm 2018; đón năm mới 2020, cả nước đã có 4.806 xã (đạt 53,92%) và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), vượt 3,92% so với mục tiêu giai đoạn 2010 - 2020.

Cùng với sự phát triển của đất nước, vùng DTTS và miền núi của nước ta cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Số liệu trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (ngày 18/11/2019) cho thấy, các tỉnh vùng DTTS và miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; trong đó Tây Bắc tăng bình quân 8,4%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 8,1%/năm, Tây Nam bộ tăng bình quân 7,3%/năm. Về xây dựng NTM, tính đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng DTTS và miền núi đạt 45,2%, với khoảng 3.241 xã/7.165 xã.

Một kết quả của Viện nghiên cứu phát triển Mêkông (MDRI) - đơn vị nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam, cũng đưa ra những số liệu rất tích cực về sự phát triển của vùng DTTS và miền núi. Theo MDRI, so với năm 2010 thì thu nhập bình quân vùng DTTS và miền núi hiện đã tăng hơn 5 lần, từ 4,2 triệu đồng lên hơn 21 triệu đồng/người/năm; dự kiến đến năm 2020, thu nhập bình quân toàn vùng sẽ tăng hơn 6 lần so với năm 2010.

Nhìn lại những thành tựu đó để soi chiếu vào khó khăn, thách thức của đất nước nói chung, vùng DTTS và miền núi nói riêng mới thấy hết được những thành tựu trong năm 2019 là những dấu ấn đặc biệt. Thành tựu đó xây nền tảng cho niềm tin về sự phát triển toàn diện của vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn mới.

Niềm tin đó càng được củng cố vững chắc hơn từ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị về sự phát triển đột phá cho vùng DTTS và miền núi. Ngày 30/10/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Kế đó, ngày 18/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 - một sự kiện mang dấu ấn lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Đó là cơ sở, là động lực để cơ quan làm công tác dân tộc các cấp quyết tâm hơn, sáng tạo hơn. Trước thềm năm mới, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm Canh Tý 2020.

Trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm như: Tổng kết, đánh giá, sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; tập trung xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để thực hiện từ năm 2021; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi; tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II và Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020…

Những nhiệm vụ nặng nề và lớn lao đó đang đặt ra sự nỗ lực vượt bậc đối với cả hệ thống chính trị, với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp và đồng bào các dân tộc. Tin tưởng rằng, năm mới với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, chúng ta vững tin đón vận hội mới để gặt hái những thành công.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.